Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẽ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp…
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT NHÓM NGÀNH CHỦ LỰC
UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí – tự động hóa giai đoạn 2020 – 2030”. Theo đó, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đều đã được triển khai thực hiện gồm 9 nhóm nhiệm vụ thường xuyên và 4 đề án. Cụ thể, xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng ngành cơ khí – tự động hóa TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025; phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí – tự động hóa; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư; hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ; hỗ trợ về mặt bằng; triển khai các giải pháp về truyền thông; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất…
Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành cơ khí – tự động hóa TP.HCM giai đoạn 2020 – 2023.
Ngoài ra, xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành cơ khí – tự động hóa.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ ứng dụng các giải pháp công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí – tự động hóa. Trong đó tập trung tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ thuộc doanh nghiệp ngành cơ khí – tự động hóa; Tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp;
Song song đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý chuyên ngành; Tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm, xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí – tự động hóa, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành. Được biết, chỉ số IIP ngành cơ khí năm 2022 tăng 8,65% so với cùng kỳ; IIP 5 tháng đầu năm tăng 3,9%.
HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO KHỞI NGHIỆP, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ đối với Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông giai đoạn 2020 – 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2023- 2025, TP.HCM tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2020-2030; tập trung các giải pháp then chốt, mang tính đột phá nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã đề ra; Tổ chức triển khai Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình, bối cảnh, nhu cầu phát triển chung của Thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chính sách của địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của Thành phố trên bản đồ. Các hoạt động bao gồm hội nghị, hội thảo, giới thiệu phần mềm, giải pháp ứng dụng đến người dân, cơ quan đơn vị.
Đặc biệt, hỗ trợ kinh phí (quỹ phát triển) cho doanh nghiệp tiềm năng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sẽ có thí điểm cơ chế sandbox… Ngoài ra, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các chương trình tìm hiểu, hội thi nhằm tạo sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh thiếu niên cảm nhận được nền tảng công nghệ mới là yếu tố tiên quyết hỗ trợ phát triển xã hội.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, CÔNG NGHIỆP XANH
Thực trạng phát triển công nghiệp TP.HCM trong thời gian qua đặt ra yêu cầu về định hướng phát triển công nghiệp Thành phố trong thời gian tới, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng yếu. UBND TP.HCM đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng khu công viên khoa học và công nghệ, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp theo định hướng phối hợp liên kết phát triển và phát huy vai trò, vị thế vùng TP.HCM; Cải tạo nâng cấp phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với cải tạo chỉnh trang và chuyển đổi hình thái đô thị; Phát triển hạ tầng công nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, phát triển đô thị bền vững và tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng liên kết vùng; đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp và cải tạo nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu gắn với cải tạo chỉnh trang, chuyển đổi đô thị, với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị.
Giai đoạn 2025 – 2045, đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối phát trển vùng đô thị TP.HCM; đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ tích hợp, khai thác và phát huy thế mạnh vị thế vùng đô thị và phát triển kinh tế biển; xây dựng chiến lược phát triển đô thị gắn liền với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển đổi hình thái đô thị.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị: Cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; Phát triển đô thị TP.HCM theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI). Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Phát triển công nghiệp TP.HCM dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao (điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học, sản xuất robot, thiết bị thông minh, hệ thống nano…), công nghệ số, công nghệ mới; sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin…