Mọi thứ trên thế giới được kết nối qua Internet, những mô hình TP thông minh độc đáo xuất hiện đó chính là những gì đang được chờ đón trong năm 2016.
Có lẽ chưa bao giờ cái chữ thông minh (tiếng Anh là “smart”) lại xuất hiện nhan nhản trên thế giới như trong vài năm trở lại đây. Tất nhiên, phát triển theo thời đại, ý nghĩa của chữ thông minh cũng có khác đi, rộng hơn. Vào lúc này để đạt chuẩn thông minh, đối tượng bắt buộc phải có tính năng kết nối Internet.
Khoa học viễn tưởng và đời thật
Một bà chị của tôi có một đứa cháu ngoại vừa vào tuổi lên 3. Bà gửi cháu vào một nhà giữ trẻ có trang bị hệ thống camera nối mạng Internet cho phép cả ban giám hiệu lẫn phụ huynh có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, coi bọn nhóc đang làm gì và đang được chăm sóc ra sao. Vậy là hằng ngày, đứa cháu vào nhà trẻ xong, bà ngoại về nhà nằm trên võng mở tablet ra “coi cháu” từ xa. Mấy cô giáo giờ mang án… “tù treo” bị quản lý nhất cử nhất động.
Chuyện gắn camera giám sát nối mạng giờ đây phổ cập lắm rồi. Các hệ thống camera giám sát này không chỉ phát triển bội lần về công nghệ mà còn giảm chi phí… thấy mà thương, không cần nhiều ngàn USD mà chỉ đôi ba trăm USD là đã có để xài. Vì thế ngày càng có nhiều ngôi nhà riêng được trang bị hệ thống camera giám sát có kết nối Internet. Vậy là chủ nhà có thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, miễn là có thể truy cập Internet là đã có thể giám sát theo thời gian thực mọi chuyện đang xảy ra tại nhà mình. Mấy bà vợ có thuê những cô giúp việc trẻ trung coi mát mắt rất khoái những hệ thống camera này để… canh chồng “khi vợ vắng nhà”.
Sự thay đổi chóng mặt
Cách đây gần chục năm, ông chủ Microsoft là Bill Gates tự hào về ngôi nhà thông minh của mình, thường mời khách tới khoe. Khách đi tới đâu, các cánh cửa tự động mở ra, đèn bật sáng, âm nhạc trỗi lên, nhiệt độ được điều chỉnh cho phù hợp… Những bức tranh nghệ thuật trên tường là những màn hình mà chỉ cần chạm vào một chiếc nút là có thể thay đổi bức tranh khác. Hồi đó chuyện như vậy là ghê gớm lắm. Khu biệt thự này được Bill Gates tậu vào năm 1988 với giá 2 triệu USD. Và sau bảy năm xây dựng lại với chi phí tới 63 triệu USD, cho tới năm 2005 ngôi nhà thông minh mang tên Xanadu 2.0 ở Medina (bang Washington) này mới khánh thành. Giá của nó vào năm 2014 ước khoảng 123,5 triệu USD. Tiền thì tay tỉ phú nào ở Mỹ cũng có thể bỏ ra ngần đó nhưng để ngôi nhà có tính công nghệ và thông minh như vậy thì chỉ có Bill Gates mới xứng đôi vừa lứa.
Nhưng bây giờ ngôi nhà thông minh như của Bill Gates chỉ còn là… chuyện nhỏ. Ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà trên thế giới được trang bị những thiết bị thông minh có thể điều khiển từ xa qua Internet. Trước khi tan sở, người ta có thể ngồi ở cơ quan ra lệnh cho ngôi nhà chuẩn bị sẵn sàng đón chủ về.
Không thể nào tính nổi số văn phòng và hãng xưởng thông minh. Như ở Đài Loan có những xưởng máy được trang bị hệ thống cảm biến và thông minh có thể tự động bật/tắt nguồn điện tùy theo tình trạng ánh sáng, kiểm tra và báo tình trạng nguyên vật liệu, tự động kiểm tra hệ thống để ngăn ngừa sự cố kỹ thuật, rò rỉ hơi gas, chạm điện,… Gần những nhà ga xe điện ngầm lớn có những trạm cho thuê xe đạp điện tự động để phục vụ những người có nhu cầu, chỉ cần đi xe điện ngầm tới đó, mượn xe chạy làm việc xung quanh, xong việc thì trả xe và leo lên xe điện ngầm để trở về nhà.
… và những mô hình tương lai
Những thiết bị thông minh kết nối thành ngôi nhà và văn phòng thông minh, rồi những thành phần thông minh này liên kết lại thành những TP thông minh. Ở các TP thông minh thế kỷ 21 này, mọi sự được kết nối với nhau qua mạng Internet và được điều hành tự động bởi những máy tính thông minh.
Ở gần Việt Nam có Singapore và Taipei cũng đã được gọi là những TP thông minh. Còn ở Việt Nam, các TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội,… đang ngầm cạnh tranh nhau trở thành những TP thông minh, bắt đầu từ điện toán hóa, Internet hóa các dịch vụ công.
Những TP thông minh chắc chắn sẽ giúp cho thế giới ngày càng thông minh hơn. Có giấc mơ là tới lúc nào đó thế giới văn minh để có thể biết nhận diện sớm được những bất trắc cả về thiên tai lẫn nhân tai và lập tức báo động, đồng thời tiến hành những liệu pháp xử lý tình huống, xử lý khủng hoảng, giữ gìn sự sống và sự an bình cho con người.
Mọi thứ sẽ kết nối với nhau
Thế giới thông minh sẽ càng rộng mở hơn khi người ta đang bước vào thời Internet của vạn vật (Internet of Things, IoT), khi mà bất cứ vật gì có trên đời này cũng có thể kết nối với nhau qua mạng Internet. Những món đồ trang sức thông minh biết đo nhịp tim, báo nơi chủ nhân đang có mặt, phát tín hiệu cấp cứu khi xảy ra chuyện,… giờ đâu còn là chuyện lạ. Bây giờ thì có những chiếc nút áo thông minh nhưng tới đây sẽ có những loại vải thông minh để may quần áo thông minh.