Home Tin tức Nhiều chủ đề AI thiết thực đời sống tại Ngày hội Trí...

Nhiều chủ đề AI thiết thực đời sống tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN)

0
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN) diễn ra trong 2 ngày (27-28/11) tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, TP.HCM với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch Covid-19”.

Tại sự kiện, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ban ngành cũng tham dự để lắng nghe các đề xuất từ những người làm chuyên môn với mong muốn thúc đẩy các cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc phát triển các giải pháp kỹ thuật và ứng dụng trong các doanh nghiệp.

Đây cũng là dịp để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển, ứng dụng giải pháp công nghệ giúp vận hành doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh đại dịch. Các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI hiện được triển khai trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, viễn thông, sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, AI không phải là một lĩnh vực mới nhưng là tâm điểm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đây, AI được xếp là một ngành khoa học hàn lâm, dành cho những nhà toán học và công nghệ thông tin xuất sắc, thường tách biệt với người dân, chưa có nhiều ứng dụng. Thế nhưng gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning, AI gần với cuộc sống hơn, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống. “Con người sẽ giao tiếp nhiều với máy tính hơn, máy tính giúp những nhà quản trị đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, những người tàn tật có thể trở lại cuộc sống bình thường dễ dàng hơn. AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, nhà toán học, nhà công nghệ thông tin mà cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng…”

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, năm 2021, những khó khăn của Covid-19 sẽ thấm dần, một trong số đó là sự đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh. Dù Việt Nam vẫn đảm bảo việc sản xuất bình thường, nhưng có thể sẽ đứt gãy nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp, đứt gãy với thị trường thế giới, đứt gãy các luồng đầu tư. Theo đó “Chủ đề AI4VN đặt vấn đề làm thế nào để ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối sự trở lại cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự trở lại của nền kinh tế. Khi đó, người dân, người lao động mới có được cuộc sống trở lại bình thường mới.

TS Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Chủ đề và các hoạt động cốt lõi của ngày hội năm nay sẽ không chỉ tập trung các thảo luận, nghiên cứu, ứng dụng AI để phòng chống Covid-19 (phát hiện sớm, cảnh báo, khoanh vùng, dập dịch) mà tầm nhìn xa hơn là công nghệ này sẽ phát huy thế mạnh như thế nào ở cuộc sống trong và hậu khủng hoảng khi vẫn phải duy trì làm việc, sinh hoạt, kinh doanh…”

Sự kiện AI4VN năm nay sẽ dành nhiều không gian để các chuyên gia, nhà lãnh đạo, doanh nghiệp… cùng đánh giá về tình trạng bình thường theo cách thức mới hiện nay và việc tìm cách thích nghi, ứng phó, tổ chức cuộc sống, duy trì tốc độ tăng trưởng dựa trên công nghệ.

Ngoài ra, sự kiện AI4VN còn có nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra như tham luận, thuyết trình, tọa đàm về các chủ đề AI, tôn vinh và trao giải các cuộc thi AI, các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Chương trình quy tụ hàng trăm bộ óc trí tuệ Việt trong lĩnh vực AI trong và ngoài nước nhằm định hướng phát triển cho ngành công nghiệp AI Việt Nam.

Cụ thể, sẽ có 6 tọa đàm chuyên đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo được bàn luận tại sự kiện, bao gồm:

Chủ đề “AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”: Bàn về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu để tạo hệ sinh thái cho các ứng dụng AI trong mảng tài chính ngân hàng. Nguồn lực từ các công ty công nghệ có thể hỗ trợ quá trình triển khai. Những ví dụ về thành công trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiệp vụ ngân hàng.

Chủ đề “AI trong lĩnh vực y tế”: Thảo luận về định hướng, tiềm năng phát triển AI trong y tế tại Việt Nam. Thảo luận về thực trạng ứng dụng AI trong các hoạt động y tế tại các bệnh viện đã triển khai. Thảo luận về các chiến lược nhân sự, cơ sở hạ tầng, đào tạo… tạo điều kiện phát triển “Ứng dụng AI chữa ung thư, chăm sóc sức khỏe con người” một cách đồng bộ và có chiến lược bài bản.

Chủ đề “AI trong doanh nghiệp”: Phân tích cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số. Tìm ra giải pháp, chiến lược hợp tác giữa doanh nghiệp và công ty công nghệ để cùng nhau bứt phá.

Chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực AI”: Phân tích về nhu cầu thực tế của doanh nghiệp Việt Nam về nhân lực trẻ tài năng lĩnh vực AI. Các chương trình mà doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo đang thực hiện để thu hút và rèn luyện các tài năng trẻ cho lĩnh vực AI. Tầm nhìn, chiến lược đào tạo và thu hút các tài năng trẻ cho lĩnh vực AI trong những năm sắp tới, vai trò/ nhiệm vụ của doanh nghiệp cũng như người đào tạo trong bức tranh đó.
Chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái AI tại TP HCM”: Bàn về hiện trạng hệ sinh thái AI tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Các vấn đề cần giải quyết khi phát triển hệ sinh thái từ các góc nhìn khác nhau của doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học. Kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái từ các quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam. Vấn đề phân bổ nguồn lực và ưu tiên các lĩnh vực cần phát triển, đầu tư.

Chủ đề “Hệ thống cơ sở hạ tầng tính toán cho AI như máy tính hiệu năng cao, triển vọng máy tính lượng tử”: Thảo luận về hệ thống cơ sở hạ tầng tính toán, các ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu và tầm quan trọng của hạ tầng tính toán trong phát triển ứng dụng AI & Big Data. Vai trò và định hướng phát triển hạ tầng tính toán giúp phát triển AI tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here