Ngày 13/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng đã bấm nút khai trương mạng 5G Viettel tại Thành phố Đà Nẵng.
Sự kiện này là hoạt động thiết thực nhất chào mừng Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Đơn vị chủ trì nghiên cứu công nghệ, phát triển hạ tầng 5G trên cả nước).
Tại sự kiện, tốc độ 5G đo được lên tới 1.300 Mbps. Qua đo kiểm, tốc độ 5G trung bình tại đây đạt 500 Mbps, gấp 2,8 lần tốc độ 5G trung bình của thế giới (Theo công bố của Opensignal – đơn vị phân tích, đo kiểm chất lượng di động hàng đầu thế giới, tốc độ 5G trung bình của thế giới là 175,3 Mpbs). Mạng 5G thử nghiệm tại Đà Nẵng sử dụng anten 64T64R 5G Massive MIMO của Samsung, đây là công nghệ 5G hiện đại nhất hiện nay, với khả năng truyền dẫn trong các khu vực đông dân cư và tắc nghẽn, giúp mở rộng độ phủ và tăng tốc độ dữ liệu để nâng cao trải nghiệm cho người dùng 5G.
Ngay từ thời điểm này, người dân Đà Nẵng đã có thể trải nghiệm dịch vụ 5G Viettel hoàn toàn miễn phí và không giới hạn dung lượng tại các khu vực đường Bạch Đằng (đoạn từ khách sạn Novotel đến công viên APEC), Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng, Bảo tang Đà Nẵng, Thư viện khoa học tổng hợp, Chợ Hàn, Cầu Rồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm trụ cột kinh tế số của cả nước, liên tục được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng đứng đầu các tỉnh/Thành phố về chuyển đổi số trong nhiều năm vừa qua. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng về chuyển đổi số cũng khẳng định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số là “động lực mới” trong phát triển thành phố.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đã được thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên mới chỉ đáp ứng việc phục vụ duy trì, vận hành chính quyền điện tử, chưa mở rộng năng lực tính toán, lưu trữ để triển khai các ứng dụng thành phố thông minh như tính toán song song, hiệu năng cao, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn…
Đồng hành với thành phố Đà Nẵng trong chuyển đổi số, Viettel đã mở rộng hạ tầng cáp quang tới hầu hết các khu đô thị, khu công nghệ cao, khu du lịch; triển khai hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại các quận huyện; Ưu tiên triển khai sớm mạng 5G, đồng thời có kế hoạch mở rộng vùng phủ 5G tới các khu vực trọng điểm của thành phố tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời Viettel cũng triển khai nhiều ứng dụng sử dụng công nghệ số, dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các giải pháp phục vụ phòng chống dịch Covid chủ động, hiệu quả như mô hình trường học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa – Telehealth, Giao thông thông minh, Thanh toán số không dùng tiền mặt,…
Tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn chia sẻ: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số là 01 trong 05 lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên phát triển tại Thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10%; đặc biệt ít nhất 50% khu vực dân cư thành phố phủ sóng dịch vụ 5G để hỗ trợ người dân kết nối băng cực rộng trong thụ hưởng các dịch vụ số chất lượng.
Với sứ mệnh chủ lực tiên phong kiến tạo xã hội số, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G chất lượng tốt phủ tới 97% dân số Việt Nam, đồng thời tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ 5G sớm nhất, song hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Tính đến hiện tại, sóng 5G Viettel đã có mặt ở 16 tỉnh/thành trên cả nước với gần 150 trạm phát sóng 5G- hoàn thành mục tiêu phủ sóng 5G ít nhất 15 tỉnh/TP trong năm 2021. Viettel nhận định, công nghệ 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp (chỉ vài ms) và mật độ kết nối khổng lồ (hàng triệu kết nối/km2) sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai, đặc biệt những ngành như Công nghiệp cao, Y tế, Giao thông, Giáo dục…
Trước đó, tại phòng Lab mở về công nghệ 4.0 – Viettel Innovation Lab, các kỹ sư của Viettel Networks đã thử nghiệm và thiết lập thành công tốc độ 5G đạt hơn 4,7 Gbps. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G, giúp nhà mạng trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất Châu Á.
Song song với việc phát triển hạ tầng số, Viettel đẩy mạnh phối hợp với các hãng công nghệ lớn trên thế giới và doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển hệ sinh thái ứng dụng 4.0. Mới đây nhất, Viettel, Qualcomm và Phenikaa đã ký kết hợp tác chiến lược xây dựng tiểu đô thị thông minh sáng tạo nhất Đông Nam Á. Tại Trường Đại học Phenikaa, Viettel Networks sẽ triển khai hạ tầng kết nối 5G và tính toán tại biên (MEC- Mobile Edge Computing) để phát triển các sản phẩm như bản đồ số, xe tự hành, robot thông minh, camera, thiết bị bay (drones), thiết bị thực tế ảo (XR/VR), thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI),…