Home Công nghệ số Bảo mật Hơn 50% tổ chức doanh nghiệp đối mặt khó khăn triển khai...

Hơn 50% tổ chức doanh nghiệp đối mặt khó khăn triển khai bảo mật Zero-Trust

0

Khảo sát gần đây của Fortinet cho thấy, mặc dù hầu hết các tổ chức đều đã triển khai một số dạng thức của chiến lược bảo mật zero-trust, nhưng họ lại thiếu một chiến lược toàn diện và phải vất vả để thực thi một số vấn đề thiết yếu của mô hình bảo mật này.

Ông John Maddison, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách sản phẩm kiêm Giám đốc Marketing của Fortinet cho biết: “Với bối cảnh các mối đe dọa trên mạng đang không ngừng phát triển, xu hướng chuyển dịch sang mô hình làm việc từ xa và nhu cầu quản lý bảo mật các ứng dụng trên nền tảng đám mây, việc chuyển đổi từ mô hình bảo mật tin tưởng ngầm (implicit trust) sang mô hình hoàn toàn không tin tưởng (zero trust) trở thành yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các tổ chức.

Một giải pháp hiệu quả đòi hỏi phương thức tiếp cận nền tảng lưới an ninh mạng để giải quyết tất cả các nguyên tắc cơ bản về truy cập zero trust trên khắp cơ sở hạ tầng, bao gồm thiết bị đầu cuối, nền tảng đám mây và nền tảng lưu trữ tại chỗ, nếu không sẽ chỉ là một giải pháp riêng lẻ, không tích hợp và thiếu khả năng hiển thị trên phạm vi rộng.

Báo cáo Toàn cảnh các mối đe doạ trên mạng của FortiGuard Labs cho thấy xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công nhắm vào các cá nhân, tổ chức và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Bởi vậy, các tổ chức đang tìm kiếm giải pháp bảo vệ trước những mối đe dọa đang không ngừng phát triển này và mô hình bảo mật zero trust là giải pháp lý tưởng hàng đầu.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sang mô hình làm việc từ bất cứ đâu đã đặc biệt làm nổi bật vai trò của công nghệ Truy cập Mạng Zero Trust (ZTNA), bởi lẽ các tổ chức cần bảo vệ các nguồn tài nguyên quan trọng khi nhân viên truy cập từ các kết nối mạng gia đình với mức độ bảo mật kém.

Báo cáo đã chỉ ra những sự nhầm lẫn về khái niệm của một chiến lược zero trust trọn vẹn. 77% số người tham gia khảo sát cho biết họ hiểu các khái niệm zero-trust và 75% hiểu về ZTNA, đồng thời hơn 80% cho biết họ đã xây dựng xong hoặc đang phát triển một chiến lược triển khai zero-trust và/hoặc ZTNA.

Tuy nhiên, hơn 50% những người được hỏi chia sẻ rằng họ không thể triển khai được các năng lực lõi của mô hình bảo mật zero-trust. Gần 60% cho biết họ không có khả năng xác thực người dùng và thiết bị một cách liên tục, 54% “chật vật” trong việc quản lý người dùng sau quy trình xác thực.

Theo ông John Maddison, đây là “khoảng trống” đáng lo ngại bởi những chức năng này đều là cốt lõi và thiết yếu trong mô hình bảo mật zero-trust. Điều này cũng khiến vấn đề thực trạng và hiệu quả triển khai Zero Trust trong các tổ chức hiện nay trở thành một câu hỏi lớn. Ngoài ra, đã có sự nhầm lẫn giữa các thuật ngữ “Truy cập Zero Trust” và “Truy cập Mạng Zero Trust” do đôi khi chúng được sử dụng thay thế cho nhau.

Mục tiêu ưu tiên của zero trust là “giảm thiểu tác động của các vi phạm và xâm nhập”, sau đó là “bảo mật truy cập từ xa” và “đảm bảo tính liên tục của nhiệm vụ hoặc hoạt động kinh doanh”. “Cải thiện trải nghiệm người dùng” và “đạt được tính linh hoạt để cung cấp khả năng bảo mật ở mọi nơi” cũng là những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của công nghệ này.

Theo phản hồi của những người tham gia khảo sát, “Bảo mật trên toàn bộ bề mặt tấn công kỹ thuật số” là lợi ích quan trọng nhất, tiếp theo là “trải nghiệm người dùng tốt hơn cho hoạt động làm việc từ xa (VPN)”.

Đa số những câu trả lời trong khảo sát cho thấy điều quan trọng là các giải pháp bảo mật zero-trust phải được tích hợp trong cơ sở hạ tầng hiện có của tổ chức, hoạt động trên khắp các môi trường đám mây và nền tảng lưu trữ tại chỗ, cũng như được bảo mật ở lớp ứng dụng. Tuy nhiên, hơn 80% người phản hồi chỉ ra rằng việc triển khai chiến lược bảo mật zero-trust trên một hệ thống mạng mở rộng là một điều thực sự khó khăn. Đối với các tổ chức không có chiến lược cụ thể, các trở ngại còn nằm ở việc thiếu hụt nguồn lực có kỹ năng với 35% tổ chức sử dụng các chiến lược IT khác để triển khai bảo mật zero trust.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2021 với 472 nhà lãnh đạo, quản lý IT và an ninh mạng từ 24 quốc gia khác nhau, đại diện cho gần như tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm cả những tổ chức trong các lĩnh vực công.

Previous articleViệt Nam tăng cường phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm Internet
Next articleXiaomi ra mắt Redmi Note 11 series cùng bộ ba đại sứ Đón đầu thử thách

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here