Năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng 50%, số lượng đối tác bán hàng tăng 40%…
Thông tin trên được ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tại hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2023 sáng 19/10 tại TP.HCM. Hội nghị thu hút sự quan tâm của các hiệp hội ngành hàng, startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đang đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa và thương mại điện tử mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ vì mức độ sẵn sàng nắm bắt sự chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, kế hoạch tăng trưởng bền vững.
Theo Amazon Global Selling, trên toàn cầu, sản phẩm từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có Việt Nam, chiếm 60% tổng số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng sản phẩm. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, 5 ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon gồm: Nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, và làm đẹp.
“Việt Nam có lợi thế từ năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, đang đứng trước “cơ hội vàng” để tham gia và trở thành mắt xích mới nổi của chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu”, ông Gijae Seong cho hay.
Nhằm tạo điều kiện tận dụng các lợi thế và thúc đẩy động lực thành công cho xuất khẩu trực tuyến, Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố 3 trọng tâm chiến lược năm 2024. Cụ thể, Một là, tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các đối tác chiến lược đề trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành; và nhân rộng các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng nhà bán hàng.
Hai là, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong nhiều ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cơ hội xuất khẩu trực tuyến.
Ba là, nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua: Tăng cường đầu tư vào đào tạo nhà bán hàng; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu; và tăng cường, mở rộng các hỗ trợ xuyên suốt các giai đoạn xuất khẩu online của nhà bán hàng, gồm đăng ký và quản lý tài khoản, tối ưu chi phí, logistics và xây dựng thương hiệu.