Ngày 16/1, Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội (HUMG) đã ký kết hợp đồng dự án “Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghệ 4.0” với Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam nhằm giúp sinh viên của trường thuộc các ngành cơ điện, điện tử, công nghệ thông tin được tiếp cận lý thuyết, thực hành công nghệ tự động hóa, số hóa trên các ứng dụng cho các ngành công nghiệp tiên tiến nhất hiện nay.
Hitachi Systems Việt Nam là nhà cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất nội địa và có vốn đầu tư nước ngoài như Canon, Yamaha, Brothers, Sankoh, Kyocera, FPT,… Ngoài ra, Công ty cũng là đối tác cung cấp giải pháp đào tạo theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 cho các trường Đại học Vietnamese-German University (VGU, Bình Dương), Đại học Duy Tân (DTU, Đà Nẵng), và Học viện German-Malaysian Institute (GMI,Malaysia).
Dự kiến trong vòng 6 tháng, phòng thí nghiệm này sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động. Hàng nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc các khoa kỹ thuật, điện tử, công nghệ thông tin sẽ được trải nghiệm công nghệ tự động hóa, số hóa mà các công ty toàn cầu đang sử dụng để thiết kế những sản phẩm tân tiến nhất hiện nay ô tô, máy bay, máy móc, tàu thủy, thiết bị điện tử công nghệ cao,…
Đặc biệt, các giải pháp từ Hitachi được cung cấp cho HUMG bao gồm NX (CAD/CAM/CAE), Teamcenter, Simcenter, Tecnomatix…. Đây là những phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm, tự động hóa hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, những sinh viên ra trường khi đã được học tập, nghiên cứu với các công nghệ cao của phòng thí nghiệm “Nhà máy thông minh” sẽ có cơ hội thuận lợi trong việc làm, dễ dàng tiếp cận với công viêc và các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) dựa trên 3 lĩnh vực chính là kỹ thuật số (bao gồm dữ liệu lớn – big data, vạn vật kết nối internet – IoT, trí tuệ nhân tạo – AI), công nghệ sinh học và vật lý. Tác động của CMCN 4.0 đối với các doanh nghiệp là rất lớn khi khi vạn vật được kết nối bởi internet. Hệ thống máy móc có thể giao tiếp với nhau thông qua internet mà không cần sự có mặt của con người, dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động tương ứng với lượng sản phẩm tồn kho. Các doanh nghiệp sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất.
Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh lao động Việt Nam đang trong tình trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, năng suất lao động thấp, tay nghề và các kỹ năng mềm còn yếu kém… Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, hướng tới kỳ vọng chương trình Made in Vietnam 4.0 của Chính phủ Việt Nam, Hitachi và Siemens hợp tác đầu tư triển khai Dự án Phòng thí nghiệm thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 tại trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội.
GS.TS. Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng HUMG chia sẻ: “Xây dựng một môi trường học tập nghiên cứu các công nghệ sản xuất thông minh, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến là tất yếu để chuẩn bị được thế hệ các kỹ sư, nhà sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0. Dự án “Phòng thí nghiệm thông minh ứng dụng công nghệ 4.0” do Hitachi System Việt Nam phát triển sẽ giúp sinh viên của chúng tôi được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất đang được ứng dụng trong thực tế sản xuất tại các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới.”
Mô hình phòng thí nghiệm nhà máy thông minh.
Sau khi đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ có hàng nghìn kỹ sư tương lai được nghiên cứu và thực nghiệm với phòng thí nghiệm thông minh. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn thể hiện quyết tâm của nhà trường nhằm vượt qua thử thách, nhanh chóng hòa nhập quốc tế với mục tiêu: “Đến năm 2030, Trường Đại học Mỏ – Địa chất trở thành một trung tâm đào tạo kỹ thuật đa ngành định hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng chất lượng cao và có uy tín trong nước và khu vực.”