Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền trực tuyến, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhất là dịp cận Tết…
Vào ngày 22/1, Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện và đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do đối tượng làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP.HCM. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tang vật, ước tính giá trị lên đến 14,5 tỷ đồng.
Tại cơ quan chức năng, đối tượng thừa nhận hành vi lừa đảo. Đối tượng đã thuê một nhà xưởng ở khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, TP. Dĩ An và công nhân để sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng từ Australia, New Zealand và chưa được phép sản xuất tại Việt Nam. Sau khi làm thành phẩm sữa bột giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, đối tượng đăng thông tin chào bán trên các trang mạng xã hội và giao hàng qua hệ thống các công ty giao hàng tiết kiệm.
Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, trong vòng khoảng 1 tháng đối tượng sẽ đổi địa điểm sản xuất, kho chứa hàng. Và để tạo niềm tin cho khách hàng, cơ sở của đối tượng sẵn sàng cho khách hàng kiểm tra bằng cách quét mã QR code trực tiếp trên các lon sữa khi nhận được. Tuy nhiên, khi khách hàng quét mã này, sản phẩm vẫn trả ra kết quả hàng chính hãng. Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra để xác minh các hành vi vi phạm.
Tương tự với thủ đoạn trên, mới đây, một đối tượng lừa đảo khác sử dụng hình thức mua bán hải sản trên mạng xã hội đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố. Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng sử dụng nhiều các tài khoản Facebook và Zalo “ảo” để gửi lời mời kết bạn với người khác nhằm mục đích làm quen; gửi ảnh và cung cấp thông tin về bản thân rằng làm nghề buôn bán, đánh bắt thủy, hải sản, có nhiều đầu mối, nguồn cung cấp hải sản tươi sống, giá rẻ.
Đồng thời, đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Ngoài ra, đối tượng tiếp tục giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Từ đó, yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Để tránh bị phát hiện, ngoài việc sử dụng nhiều số điện thoại, đối tượng liên tục đổi địa bàn hoạt động. Từ tháng 6 đến tháng 12/2023, đối tượng đã lừa đảo 7 người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chiếm đoạt trên 135,5 triệu đồng.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
“Trước khi tiến hành đặt mua bất kỳ mặt hàng nào trực tuyến, người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc. Đồng thời, cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Đảm bảo rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.”