Home Di Động Laptop - PC Đánh giá PC nền tảng mới của AMD: CPU Ryzen 3000 series...

Đánh giá PC nền tảng mới của AMD: CPU Ryzen 3000 series + GPU Radeon 5700 + X570

0

Hiệu năng CPU Ryzen thế hệ 3 tuyệt vời, SSD PCIe 4.0 chạy xé gió, GPU Radeon 5700 ổn nhưng chưa ấn tượng là những điều mà mình đã trải nghiệm được trên bộ Kit mình nhận được từ hãng AMD.

Vừa được giới thiệu tại sự kiện E3 tháng 6 2019 vừa qua với nhiều điểm nổi bật phục vụ cho các game thủ và hôm nay mình cũng đã được tận tay trải nghiệm bộ KIT gồm CPU Ryzen 7 3700X, card đồ họa Radeon RX 5700, bo mạch chủ MSI MEG X570 Godlike, cặp RAM 16GB 3600 Gskill TridentZ Royal và đặc biệt là ổ SSD chuẩn PCIe 4.0 Corsair MP600 Gen4 PCIe 2TB.

Sơ lược một chút về những công nghệ của các thành phần trên bộ KIT mà mình nhận được để bạn tiện so sánh với thế hệ trước.

CPU kiến trúc Zen 2 mới, 7nm – Chạy xé gió, “thổi bay” luôn đối thủ Intel

Phiên bản CPU mình nhận được trong bộ KIT là Ryzen 7 3700X với 8 nhân 16 luồng được AMD định vị sẽ đối đầu trực tiếp với CPU Intel Core i7 9700K.

Cũng như các người anh em khác trong dòng AMD Ryzen 3000 series cho máy PC để bàn, Ryzen 7 3700X được xây dựng dựa trên kiến trúc Zen thế hệ 2. Kiến trúc Zen 2 mới được kế thừa từ kiến trúc cao cấp ROME của dòng EPYC vốn dành cho máy chủ và còn được tăng lực với tiến trình sản xuất 7nm nên sẽ đem lại hiệu suất vượt trội.

Chip Ryzen mới chứa các lõi CPU và được ghép nối với bộ xử lý đầu vào / đầu ra (I / O) 14nm, cho phép chúng kết nối trực tiếp với bộ nhớ, điều này sẽ làm giảm hẵn độ trễ so với thiết kế của dòng CPU Threadripper dựa trên Zen và Zen +.
Mặc dù được xây dựng trên kiến trúc và tiến trình xử lý hoàn toàn mới mới, nhưng các dòng CPU Ryzen 3000 series vẫn sẽ tương thích với socket AM4 đang được sử dụng bởi Ryzen 2000 và 1000. Điều này sẽ có lợi cho các bạn muốn nâng cấp từ những CPU thế hệ trước thì chỉ cần cập nhật BIOS. Tuy nhiên bạn sẽ phải hi sinh chuẩn PCIe 4.0 nếu dùng các bo mạch chủ đời cũ.
Một điểm cải tiến nữa của Ryzen thế hệ thứ 3 là hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0 và lợi thế thấy ngay trước mắt trong bộ KIT mình nhận mang tốc độ SSD lên tầm cao mới.

Với công cụ Cinebench R20 quen thuộc, CPU AMD Ryzen 3700X đã cho kết quả rất ấn tượng.
Khả năng xử lý đơn nhân đã ngang với đội xanh chứ không còn thấp hơn như trước đây: nhỉn hơn Core i7-9700K một ít và ngang ngửa với Core i9-9900K. Điều này cho thấy lợi thế khi xử lý các ứng dụng đơn luồng hay chơi game của Intel là không còn.
Và với kết quả xử lý đa luồng 4712 điểm, Ryzen 3700X lấn át hoàn toàn khoảng gần 30% so với Core i7-9700K và đã xấp xỉ ngang hàng với Core i9-9900K.

Điểm số CPU trong công cụ PassMark Performance Test 9.0 càng thể hiện rõ ưu thế của Ryzen thế hệ 3 khi 3700X bỏ rất xa i7-9700K (khoảng 35%) và vượt trên cả i9-9900K.

Với công cụ GeekBench 4 thì đội xanh có phần đỡ bị lép vế hơn. Khoảng cách xử lý đa nhân giữa Ryzen 7 3700X và i7-9700K chỉ còn 17% nhưng so với i9-9900K thì vẫn ngang cơ. Riêng phần xử lý đơn nhân trong công cụ này thì Ryzen 7 3700X hơi thua kém đối thủ i7-9700K nhưng cũng chỉ là 4,5%.

Tóm lại thì với mức giá 8,690,000 VND tại thị trường Việt Nam trong khi đối thủ i7-9700K giá khoảng 10 triệu, vừa rẻ hơn khá nhiều là vừa vượt trội hiệu năng thì có lẽ bạn cũng đã có câu trả lời chọn CPU nào rồi. Phần CPU máy tính để bàn, đội đỏ đã thắng áp đảo ở thời điểm hiện tại khi có đầy đủ dòng đối đầu mọi phân khúc với Intel (Ryzen 9 sẽ đối đầu với Core i9).

Trái ngược với CPU, mảng GPU của AMD vẫn còn ở sau khá xa đội xanh

Các card đồ họa AMD Radeon ™ RX 5700 XT và RX 5700 thế hệ Navi được xây dựng trên nhân xử lý đồ họa kiến trúc RDNA thay cho GCN trước đây. Theo AMD kiến trúc RDNA mới sẽ có hiệu năng trên mỗi xung nhịp tăng 25% so với GCN và hiệu năng nhìn chung sẽ tăng 50% nếu so 2 card cùng công suất tiêu thụ điện.


Bên cạnh việc gia tăng hiệu suất, thế hệ card đồ họa Navi còn có các công nghệ để tối ưu cho trải nghiệm chơi game như: Radeon Image Sharpening (RIS) – Phục hồi độ nét cho hình ảnh trong trò chơi đã bị làm mềm bằng các hiệu ứng hậu kỳ khác; FidelityFX – Bộ công cụ dành cho nhà phát triển nguồn mở giúp nhà phát triển dễ dàng tạo hiệu ứng xử lý hậu kỳ chất lượng cao giúp hình ảnh của trò chơi đẹp mắt hơn, cân bằng về độ trung thực và khả năng hiển thị hình ảnh; Radeon ™ Anti-Lag – Tối ưu hóa cho thể loại game eSports, cải thiện khả năng giao tranh bằng cách giảm thời gian phản hồi từ đầu vào đến khi hiển thị lên đến 31%.

Ngoài ra kiến trúc RDNA mới hỗ trợ chuẩn kết nối DisplayPort ™ 1.4 với Display Stream Compression (DSC) để cung cấp tốc độ làm mới cực cao, độ sâu dải màu và độ phân giải lên tới 8K HDR ở 60Hz hoặc 4K HDR ở 144 Hz trên các màn hình chuyên game cao cấp sắp tới sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, mặc dù đã có cải tiến kiến trúc mới và sử dụng luôn tiến trình sản xuất 7nm trước cả đối thủ nhưng có vẻ kiến trúc GPU mới của AMD vẫn chưa thật sự tối ưu khi mà hãng chưa có dòng card nào để đối trọng ở phân khúc cao cấp của NVIDIA. Cả hai phiên bản Radeon RX 5700 và RX 5700XT chỉ nằm ở phân khúc từ NVIDIA RTX 2060 đến RTX 2070. Các kết quả benchmark sau cũng đã thể hiện điều này.

Điểm Graphics score 7.860 điểm trong công cụ 3DMark Time Spy đo khả năng chơi game DirectX 12 của Radeon RX 5700 có sự tương đồng với dòng card cao cấp VEGA 64 thế hệ trước và cũng ngang ngửa với đối thủ NVIDIA  Geforce RTX 2060.

Điểm phép thử 3D MARK trong công cụ Passmark Performance Test 9.0 cũng cho kết quả ngang bằng NVIDIA RTX 2060 tương tự 3DMark Time Spy.

Ngoài công cụ Benchmark, mình cũng thử với một số game đang được nhiều người chơi hiện nay và Radeon RX 5700 cũng cho những kết quả rất ổn, hiệu năng tốt hơn hẳn so với thế hệ trước và dĩ nhiên cũng chỉ ngang với NVIDIA RTX 2060 chứ không có sự vượt trội nào như ở mảng CPU.

Hệ thống có thể chơi tốt game Apex Legends ở thiết lập max setting tại độ phân giải Full HD 1920×1080 với tốc độ giao động từ 130 -142 FPS.

Những cảnh đồ họa phức tạp hay giao tranh nhiều trong game thì hệ thống vẫn duy trì mức trên 100 FPS nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm.

Với game PUBG, mình test ở độ phân giải Full HD+ (2560×1080, cao hơn Full một xíu), thì hệ thống có thể chơi tốt kể cả khi max setting, FPS duy trì ổn định quanh mốc 90 FPS.

Mình cũng test với tựa game GTA 5, tuy là game cũng khá cũ nhưng còn rất nhiều người chơi quan tâm nên mình cũng test luôn. Cũng ở độ phân giải Full HD + 2560×1080 max setting, RX 5700 hoàn toàn có thể duy trì dễ dàng mức FPS trên 100.

RX 5700 cũng dễ dàng chinh phục tựa game Far Cry 5 ở độ phân giải Full HD+ 2560 x 1080 max setting với mức khung hình trung bình 98 FPS.

Với tựa game thể loại phiêu lưu Assassin’s Creed Odyssey, độ phân giải Full HD+ mức thiết lập very High, RX 5700 đạt trung bình 66 FPS. Nếu quen với các tựa game eSport thì có lẽ bạn sẽ nghĩ game này 66 là chơi không ổn. Tuy nhiên đây không phải game eSport mà là một tựa game offline nên mức 66 FPS là hoàn toàn có thể chơi tốt.

Khi nâng lên mức max setting cũng ở độ phân giải Full HD+ thì FPS trung bình tuột xuống 53 FPS, dưới 60 nên có vẻ không lý tưởng lắm. Nếu bạn chơi trên màn hình Full HD thì có thể max setting, còn cao hơn thì nên chọn các mức thiết lập thấp hơn để có trải nghiệm game tối ưu.

Ngoài ra mình cũng thử tựa game đua xe F1 mới ra mắt gần đây, hệ thống dễ dàng đạt mức khung hình trung bình 117 FPS ở độ phân giải Full HD max setting.

Hiện tại card đồ họa AMD Radeon RX 5700 được công bố giá bán tại thị trường Việt Nam là 9,4 triệu đồng. Với mức hiệu năng bằng chứ không hơn RTX 2060 thì theo mình có vẻ như card đồ họa của AMD không có lợi thế cạnh tranh lắm, không được như ở mảng CPU (giá thấp hơn hiệu năng cao hơn). Vì mình có google so sánh thử giá các dòng card RTX 2060 trên thị trường thì dù nhiều hãng bán tầm giá 10 triệu hơn nhưng vẫn có những hãng bán mức giá quanh 9,4 triệu.

Tuy nhiên với băng thông bộ nhớ lớn nhờ hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0, dù ở hiện tại chưa thấy ưu thế do các hãng phần mềm chưa cập nhật nhưng hy vọng trong tương lai bạn sẽ được lợi thế hiệu năng khi sử dụng với các ứng dụng sáng tạo nội dung. Riêng với Game thì chắc bạn sẽ phải đợi hơi lâu hoặc thậm chí là không có vì cả Intel và Nvidia đều chưa chịu nâng lên chuẩn PCIe 4.0 nên các hãng Game sẽ không dại gì tung ra những Game đòi hỏi băng thông lớn.

PCIe đem lại lợi ích trước mắt là cho các ổ SSD tốc độ khủng

Thật vậy, khi sử dụng công cụ đo tốc độ đọc ghi đĩa quen thuộc là CrystalDiskMark, mình đã rất ấn tượng với kết ảu đọc ghi tiệm cận 5000MB/s. Do thời gian không cho phép vì mình phải trả lại hãng sản phẩm sớm nên mình chỉ kịp test luôn trên ổ C chạy hệ điều hành để có kết quả này nên kết quả đã có phần bị ảnh hưởng do đã chia sẻ một phần tài nguyên để chạy hệ điều hành. Điều này cho thấy tốc độ đọc ghi thực tế của ổ SSD chuẩn PCIe 4.0 trong bộ kit đi kèm có thể là hơn 5000 chứ không phải như kết quả trên hình.

Để bạn tiện so sánh thì chuẩn PCIe 3.0 x4 dùng phổ biến hiện nay cho các SSD M.2 chỉ có băng thông lý thuyết tối đa là khoảng 4000 MB/s và ổ SSD M.2 chuẩn PCIe 3.0 x4 trên thị trường cao nhất cũng chỉ mới có dòng đọc 3.500MB/s nên con số đọc ghi 5000 MB/s của ổ SSD M.2 Corsair MP 600 PCIe 4.0 x4 là quá khủng.

Đánh đổi lại cho tốc độ đọc ghi cực cao là nhiệt lượng tỏa ra trên SSD cũng khá nhiều. Vì vậy như bạn thấy bo mạch chủ trên hình trang bị cả quạt để hỗ trợ tản nhiệt cho các SSD và các SSD chuẩn mới cũng đi kèm cac lá kim loại tản nhiệt hầm hố.

Nhiệt độ CPU và card đồ họa

Về phần nhiệt độ CPU và GPU có lẽ cũng khá nhiều bạn quan tâm. Xuyên suốt quá trình chạy benchmark lẫn chơi game, nhiệt độ CPU trung bình quanh mốc 60-65 độ C và GPU là 70-76 độ C. Nhiệt độ này là hoàn toàn ổn nên bạn có thể yên tâm.

Kết luận

Nền tảng PC để bàn mới của AMD đã có cải tiến rất tốt ở mảng CPU và lưu trữ, điều này sẽ thúc đẩy đối thủ Intel phải tranh thủ ra mắt sản phẩm cải tiến mới sớm hơn nếu không sẽ bị tụt hậu. Riêng mảng đồ họa GPU thì AMD có lẽ vẫn còn phải cố gắng nhiều mới có thể đuổi kịp đối thủ NVIDIA khó nhằn. Tuy nhiên những thành tựu hiện tại cũng đã rất đáng khen cho AMD vì hãng đang ở thế một mình cân cả 2 ông lớn.

Previous articleLG ra mắt dòng loa XBOOM đa năng, đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ
Next articleKaspersky hợp tác với Interpol chống lại tội phạm mạng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here