Là phiên bản nối tiếp và được định vị thấp hơn RX 6600 XT một xíu. RX 6600 vẫn cho phép bạn chơi bất kỳ tựa game AAA hoặc eSports nào hiện nay ở độ phân giải 1080p cùng các mức thiết lập đồ họa cao nhưng dừng ở mức hỗ trợ màn hình 60Hz thay vì tần số cao như đàn anh RX 6600 .
Radeon RX 6600 vẫn dựa trên silicon Navi 23 7 nm giống như RX 6600 XT nhưng chỉ có 28 trong số 32 CU RDNA 2 được kích hoạt, cùng 1.792 bộ xử lý dòng thay vì 2.048 như đàn anh. RX 6600 cũng được tích hợp 28 nhân Ray Accelerator để xử lý các hiệu ứng Ray Tracing nên bạn hoàn toàn có thể bật hiệu ứng này để tăng trải nghiệm khi chơi game.
Card có cùng dung lượng bộ nhớ 8 GB GDDR6 128 bit và cũng có cùng bộ nhớ Infinity Cache 32 MB. Dù vậy thì băng thông bộ nhớ có chút khác biệt: RX 6600 có bộ nhớ GDDR6 14 Gbps thay vì bộ nhớ 16 Gbps của RX 6600 XT (băng thông 224 GB / s so với 256 GB / s). Bộ đệm L2 cũng giảm từ 3MB xuống 2MB.
Phiên bản mình trên tay thử nghiệm lần này đến từ đối tác PowerColor của AMD. Card đi kèm với một thiết kế trông khá cơ bản, một giải pháp làm mát với một bộ tản nhiệt nhôm xếp chồng được thông gió bằng một cặp quạt dù vậy card vẫn hoạt động rất mát mẻ chứ không hề bị quá nhiệt do mức TDP tối đa của card chỉ 132W (xem kết quả thử nghiệm bên dưới).
Card có kích thước khá nhỏ gọn, lấy nguồn từ đầu nối 8 chân và tuân theo tốc độ xung nhịp tham chiếu của AMD – xung nhịp chơi game 2044 MHz, xung nhịp tăng tốc 2491 MHz.
Cổng xuất hình trên RX 6600 gồm 3 cổng DisplayPort 1.4 và 1 cổng HDMI 2.1. Card hỗ trợ chuẩn PCIe 4.0 nhưng chỉ dùng 8 lane chứ không dùng hết lane, vì vậy băng thông vẫn tương đương các card PCIe 3.0 x16.
Theo công bố của AMD tính toán dấu chấm động FP32 của RX 6600 là 8,93 TFLOPS, thua 1,6 TFLOPS so với đàn anh RX 6600 XT. Mức giá thị trường Việt Nam hiện tại cũng chênh nhau 2 triệu đồng, RX 6600 từ Power Color đang có giá giao động từ 13.499.000 đến 14.290.000 đồng.
Thử nghiệm hiệu năng
Với công cụ 3DMark quen thuộc, Radeon RX 6600 đạt 8.046 điểm, điểm số này nằm giữa NVIDIA RTX 2060 và RTX 3060 nên RX 6600 có một ít lợi thế về hiệu năng/ giá trị trường và RX 6600 cũng ít ăn điện hơn đối thủ.
Phép thử đồ họa 3D trong công cụ Passmark cũng cho thấy điều tương tự, sức mạnh RX 6600 vẫn nằm giữa 2 card của đối thủ.
Với những kết quả này thì AMD RX 6600 không chỉ chơi tốt hầu hết các tựa game ở độ phân giải Full HD max setting mà còn có thể chơi tốt nhiều tựa game ở cả độ phân giải 2K Max setting như Battlefield V, Apex Legends, Fornite, GTA V, …
Ngoài dùng tool benchmark GPU, mình cũng có chơi thực tế với các game phổ biến như bên dưới
Với tựa game bắn súng eSport PUBG quen thuộc, độ phân giải Full HD max setting, RX 6600 dễ dàng cho tốc độ khung hình trung bình 125-140FPS
NARAKA: BLADEPOINT – Tựa game sinh tồn phong cách chặt chém, bắn cung nỏ kiểu cổ trang, RX 6600 dễ dàng đạt trung bình trên 60 FPS ở thiết lập Full HD Max Setting. Đây là tựa game không đòi hỏi FPS cao nhưng các game thể loại bắn súng nên tốc độ khung hình này hoàn toàn chơi tốt và mượt mà.
Tựa game offline quen thuộc GTA 5, ra mắt đã lâu nhưng vẫn còn một lượng lớn fan game thủ trung thành do lối chơi hấp dẫn, RX 6600 dễ dàng cho mức khung hình cực cao, từ 150 đến trên 170 FPS ở thiết lập Max Setting độ phân giải Full HD.
Assassin’s-Creed Valhalla tựa game thể loại AAA khá nặng, RX 6600 có thể chơi tốt với mức khung hình trung bình 73 FPS ở độ phân giải Full HD Max setting đồ họa Ultra High.
Đặc biệt Radeon RX 6600 cũng hỗ trợ một công nghệ rất hữi ích cho việc chơi các game nặng ở độ phân giải cao là AMD FidelityFX ™ Super Resolution (FSR). Công nghệ này sẽ giúp giúp tăng tốc độ khung hình của bạn trong các tựa game hỗ trợ và mang đến trải nghiệm chơi game chất lượng cao, độ phân giải cao mà không cần phải nâng cấp lên các dòng card đồ họa quá mạnh. Do cũng mới ra mắt chưa lâu nên chưa có nhiều game hỗ trợ nhưng các game thủ có thể yên tâm vì hiện danh sách các tựa game hỗ trợ cũng ngày càng tăng do AMD đã đưa công nghệ này lên thư viện mã nguồn mở miễn phí.
Mình có thử nghiệm 2 tựa game có sẵn trong kho game của mình có hỗ trợ công nghệ này là Far Cry 6 và Resident Evil Village.
Far Cry 6 khi tắt công nghệ này, bật tất cả full hiệu ứng đồ họa, độ phân giải Full HD, RX đạt trung bình 64 FPS
Điều kiện thử nghiệm tương tự nhưng bật AMD FidelityFX ™ Super Resolution (FSR) thì tốc độ khung hình trung bình tăng lên mức 85 FPS – tăng khoảng 33% so với không bật
Resident Evil Village Maxsetting khi tắt FSR khung hình trung bình ở những cảnh phức tạp chỉ ở mức 5x FPS
Khi bật FSR thì tốc độ khung hình trung bình được cải thiện lên mức 6x FSR – khoảng 20%
Nhìn chung hiện tại FSR chưa thể cải thiện nhiều bằng DLSS của đối thủ nhưng cũng đã đạt được những con số khả quan, đặc biệt chất lượng đồ họa trong quá trình chơi vẫn đảm bảo độ sắc nét như khi không bật chứ không hề bị giảm. Hy vọng trong những bản cập nhật kế tiếp AMD cùng các nhà phát triển game sẽ cải thiện hơn khi công nghệ này được tích hợp rộng rãi.
Tóm lại
Trong thời bão giá cũng như khan hàng card đồ họa, việc ra mắt thêm các dòng ở phân khúc thấp hơn nhưng hỗ trợ đầy đủ các công nghệ đồ họa cao cấp như Ray Tracing, FSR là điều hợp lý cho game thủ, nhất là khi hầu hết các game thủ trên thế giới vẫn đang trải nghiệm game trên màn hình Full HD.
Công bằng mà nói thì mức giá của RX 6600 nếu so với trước đây thì không phải là giá tốt nhưng ở thời điểm Coin giá cao như hiện tại, các card đồ họa đều tăng giá chóng mặt thì RX 6600 vẫn là một lựa chọn tốt. Và một ưu điểm nửa của AMD Radeon RX 6600 là nhiệt độ hoạt động trong suốt quá trình mình thử nghiệm đều dừng ở mức 66 độ trở xuống, công suất tiêu thụ điện chỉ loanh quanh 100W, phù hợp để gắn cho cả các thùng máy nhỏ gọn mà không sợ quá nhiệt.
Ở thời điểm mình viết bài có khảo sát thì thấy vẫn có thể mua được dễ dàng, hy vọng sắp tới RX 6600 không bị các bác “nông dân” lôi đi làm trâu cày để anh em game thủ còn có cái chơi.