Vừa ra mắt hồi tháng 1/2019, AMD Radeon VII tự hào là card đồ họa chơi game đầu tiên trên thế giới sử dụng tiến trình 7nm và hôm nay mình cũng được tận tay trải nghiệm một phiên bản từ chính AMD.
Về mặt thiết kế, AMD vẫn sử dụng kiểu thiết kế khung nhôm CNC nguyên khối nhưng tăng số lượng quạt tản nhiệt lên đến 3 quạt thay vì chỉ một quạt như card Vega 64 mà hãng tự làm trước đây, hứa hẹn sẽ tăng hiệu quả tản nhiệt giúp card chạy ổn định khi phải làm việc hết công suất liên tục.
Mặt sau cũng sử dụng tông đen xám thay vì bóng loáng như trước đây. Điểm đột phá lớn nhất của Redeon VII so với Vega trước đây chính là việc thu nhỏ bóng bán dẫn xuống 7nm, nhờ vậy Radeon VII được tăng số lượng bóng bán dẫn, có thể hoạt động ở xung nhịp cao hơn mà không làm gia tăng nhiệt độ hay điện năng tiêu thụ.
Với lợi thế bóng bán dẫn nhỏ hơn nhiều nên Radeon VII có kích thước GPU nhỏ hơn, chỉ 331 mm vuông, giảm so với 500 mm trên Vega 64 14nm. Có lẽ nhờ thiết kế GPU nhỏ hơn nhiều mà AMD đã có chỗ nhồi thêm 8GB bộ nhớ HBM2 giúp Radeon VII sở hữu dung lượng bộ nhớ khủng nhất trong làng card đồ họa chơi game.
So với GDDR được tìm thấy trên hầu hết các card đồ họa, HBM2 thực sự chạy ở tần số thấp hơn nhưng lại có thể truyền cùng lúc nhiều dữ liệu hơn. Với băng thông lên đến 1TB/ giây, Radeon VII hoàn toàn lấn át so với các card đồ họa chơi game khác (NVIDIA RTX 2080Ti cũng chỉ 616 GB/s)
Dung lượng bộ nhớ cao, băng thông lớn sẽ giúp ích khi phải xử lý các nội dung ở độ phân giải cao như chơi game 4K, biên tập video 4K, 8K, …
Tóm lại thì với Radeon VII, AMD đã 1 lần nữa đi tiên phong khi đưa ra GPU gaming đầu tiên sản xuất bằng tiến trình 7 nm, và cũng là card đồ hoạ gaming có dung lượng bộ nhớ cao nhất và nhanh nhất 16 GB HBM2. Về mặt kiến trúc bên trong, Radeon VII chưa có nhiều sự đột phá so với Vega mà chỉ là bản thu nhỏ bóng bán dẫn nên vẫn ăn điện nhiều và chưa có nhiều công nghệ mới hay hiệu năng đột phá so với đối thủ.
Bên dưới là một vài kết quả test hiệu năng tổng thể của card.
Đầu tiên với công cụ 3DMark Time Spy quen thuộc, Radeon VII đạt 8.908 điểm đồ họa, một số điểm rất cao, cho thấy card có thể chơi tốt nhiều game hạng nặng Direct X12 mới nhất.
Với phép thử Time Spy Extreme trong 3DMark, Radeon VII đạt 4238 điểm đồ họa. Kết quả này cho thấy không phải tất cả game nặng 4K max setting Radeon VII đều có thể chơi được mà còn tùy vào mức độ đồ họa của game.
Kết quả cũng tương tự với công cụ benchmark Unigen Superposition
Tuy nhiên bạn có thể yên tâm vì với 3 game Resident Evil 2, Devil May Cry 5 and The Division 2 mà AMD tặng kèm, Radeon VII có thể cân tốt cả 3 game ở độ phân giải 4K max setting với tốc độ khung hình trung bình đều trên 60 fps.
Với game Far Cry 5, Radeon VII cũng dễ dàng chơi mượt ở độ phân giải 4K max setting.
Nhìn chung, qua các công cụ benchmark, hiệu năng tổng thể của card Radeon VII thấp hơn RTX 2080 khoảng 10%. Tuy nhiên với truyền thống hiệu năng tăng dần sau mỗi lần cập nhật driver của card đồ họa AMD thì hi vọng tương lai hiệu năng Radeon VII sẽ được cải thiện đáng kể.
Lợi thế hiện tại của Radeon VII so với RTX 2080 có lẽ chỉ là dung lượng Video RAM lớn gấp đôi, giúp chơi game không bị hiện lắc do micro stuttering (hiện tượng sụt khung hình nhanh đột ngột trong thời gian cực ngắn không thấy được qua các công cụ benchmark).
Ngoài ra thì khi biên tập video 4K hay 8K, cụ thể là Adobe Premiere yêu cầu trên 10GB Video RAM thì Radeon VII sẽ có lợi thế hơn RTX 2080.
Tóm lại thì xét ở phân khúc cao cấp, AMD Radeon VII thật sự chưa đạt được sự vượt trội như kỳ vọng. Có lẽ do chỉ là bản nâng cấp của Vega nên Radeon VII thiếu đi những công nghệ tương lai như Ray Tracing, DLSS … Việc được tặng kèm đến 3 game hot Resident Evil 2, Devil May Cry 5 và The Division 2 trị giá 180 USD cũng phần nào đem lợi thế của Radeon VII so với 2 game của đối thủ RTX 2080.