Home Công nghệ số Bảo mật Chuyển mình để không bị bỏ lại phía sau, các DN cần...

Chuyển mình để không bị bỏ lại phía sau, các DN cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi số rõ ràng

0

 

Nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bứt phá tăng trưởng doanh thu, phát triển vươn ra toàn cầu. Ngược lại, thực tế cũng không ít “ông lớn”, những DN đầu tầu của nhiều lĩnh vực từng ở đỉnh cao phát triển đã “tụt dốc không phanh”, thậm chí sụp đổ vì không bắt nhịp với xu thế, chậm chuyển đổi, ngủ quên trên hào quang, ủ mình trong tổ kén vàng.

Với chiến lược chuyển đổi số rõ ràng đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp DuPont tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho CNTT, gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn; giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; cá nhân hoá cao độ trải nghiệm khách hàng… Trong chưa đầy 3 năm, DN này đã giảm thiểu cơ sở hạ tầng CNTT từ 6.000 ứng dụng xuống còn 1.100 ứng dụng. Đây là một trong những điển hình về kinh nghiệm thành công trong chuyển đổi số trên thế giới của một DN toàn cầu với doanh thu hiện ở mức 85 tỷ USD. Không chỉ Dupont, nhiều DN khác như Amazon hay Wallmart đã rất thành công khi có bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số.

Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến những trường hợp như Kodak, Yahoo…thất bại vì những sai lầm và không thích ứng với chuyển đổi số, chậm đổi mới sáng tạo hoặc khi nhận ra để thay đổi thì đã quá muộn…

Cuộc cách mạng thay đổi cả lượng và chất

Thực tế đã chứng minh, trong các bước chuyển đổi, công nghệ số đang giúp DN thay đổi vượt bậc. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong tổ chức, DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao. Chuyển đổi số khác với quá trình tin học hóa, tin học hóa đơn giản là quá trình tạo ra dữ liệu, còn chuyển đối số là quá trình xử lý dữ liệu đó ở mức độ tổng hợp cao, với tốc độ cực nhanh dựa trên ứng dụng công nghệ mới và khai thác dữ liệu đó để tạo ra những giá trị nhất định trong hoạt động của DN. Thông qua quá trình chuyển đổi số, các tổ chức, DN số có được lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển vượt trội nhờ tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số với quy mô và tốc độ nhanh.

“Chuyển đổi số, đột phá mô hình kinh doanh, trở thành doanh nghiệp số” không chỉ là những chủ đề trao đổi trong các diễn dàn kinh tế toàn cầu mà trên thực tế, đã thu hút các hãng công nghệ lớn trên thế giới xây dựng các nền tảng cần thiết như Google, AWS, Apple… và nhiều DN lớn trên thế giới triển khai chuyển đổi số.

Nghiên cứu GCI của Huawei chỉ ra rằng, cứ tăng thêm 20% đầu tư cho ICT, GDP sẽ tăng trưởng thêm 1%. Căn cứ theo dự báo của Boston Consulting Group, trong tương lai 5- 10 năm nữa, ICT sẽ thúc đẩy tăng trưởng 15- 25% hiệu xuất sản xuất. Dự báo tới năm 2025, số lượng thiết bị đầu cuối thông minh cá nhân sẽ đạt tới con số 40 tỷ, tổng số kết nối toàn cầu lên tới 100 tỷ, tỉ lệ DN ứng dụng đám mây hóa đạt 85%, làn sóng trí thông minh sẽ lan tới mọi ngành nghề.

Theo báo cáo của IDG cho các tập đoàn đa quốc gia, các DN và tổ chức có quy mô tỷ đô, 90% các tổ chức và DN trong nhóm này đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đối số; 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chính chuyển đổi số đã giúp DN tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. CIO các tập đoàn lớn trên thế giới đều lựa chọn chuyển đổi số nằm trong Top 3 các vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của DN trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.

Tại đối thoại về chuyển đổi số vừa diễn ra, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng chuyển đổi số là một tiến trình của cuộc cách mạng, thay đổi cả lượng và chất.

Với chiến lược tiên phong chuyển đổi số và tham vọng trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu thế giới trong 10 năm tới, đại diện FPT cho biết, chuyển đổi số đem đến cho FPT cơ hội mới, to lớn hơn trong thế giới công nghệ thông tin bởi thị trường này có dung lượng lớn và rộng mở. Chiến lược này mang lại giá trị kép khi vừa nâng cao giá trị và vai trò của FPT, vừa tạo ra giá trị lớn cho các DN đồng hành tham gia chuyển đổi số. Ngay trong năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, FPT sẽ chuyển đổi thành DN số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực, nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Big Data, tự động tương tác trò chuyện (Chatbot), …trong các hoạt động của Tập đoàn.

Hành trình không của riêng DN nào

Các chuyên gia khẳng định, quá trình chuyển đổi số sẽ không chừa một DN nào. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng DN nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không. Nó cũng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của DN khác mà học hỏi chuyển đổi sau. Nếu các DN Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị loại khỏi cuộc chơi. Có những DN nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Tại hội nghị về chuyển đổi số vừa qua, ông Trầm, cựu CIO DuPont ví von, chúng ta đang có cuộc rượt đuổi sinh tử mà đằng sau là 1 con sư tử, cần có công cụ để tránh bị ăn thịt. Công nghệ có thể giúp chúng ta vượt trội hơn so với đối thủ.

Công nghiệp 4.0 được nhắc đến nhiều nhưng từ khóa quan trọng nhất nói lên bản chất của vấn đề sáng tạo trong bối cảnh hiện nay chính là số hóa, quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là những thứ quá xa xỉ chỉ có các DN lớn, DN dẫn đầu mới có thể tiếp cận.

Trước làn sóng chuyển đổi số, các DN đã có những động thái tích cực trong đầu tư để thúc đẩy sản xuất, tăng hiệu quả, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam chia sẻ, các DNVVN tại Việt Nam đang số hóa nhanh chóng và khai thác sức mạnh của công nghệ để mở rộng doanh thu, tiếp cận khách hàng ngày càng rộng hơn, vượt khỏi biên giới địa lý.

Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DNVVN khu vực Châu Á- Thái Bình Dương” được thực hiện bởi Công ty nghiên cứu IDC vừa công bố cho thấy, hầu hết các DNVVN Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đem đến cơ hội lớn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, đám mây là công nghệ hàng đầu thu hút đầu tư của các DNVVN tại Việt Nam. Tuy nhiên, các DNVVN tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số và thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN…

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ông Phương Trầm nhấn mạnh, chuyển đổi số mang lại giá trị to lớn cho DN nhưng hành động có thể bắt nguồn từ sáng kiến chuyển đổi số nhỏ, có thể thực hiện và hoàn thành trong 3 đến 6 tháng, dựa trên đánh giá tổng thể các đơn vị, các chức năng của công ty, đứng từ đòi hỏi, yêu cầu của khách hàng và áp dụng những công nghệ nhanh nhất. Nếu nghĩ chuyển đổi số như một công cụ, DN có thể nghĩ lớn nhưng bắt đầu làm từ nhỏ thôi như làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ một cách hiệu quả.

Còn theo ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, ngày nay, công ty nào cũng là công ty phần mềm và theo xu hướng gia tăng, mỗi tương tác sẽ đều là số hóa. Để thành công, các tổ chức cần phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới, đồng thời xây dựng khả năng số của riêng mình. Việc chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các DN và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng.

Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình. Đây không phải là một đua chạy nước rút mà là một cuộc chạy bộ đường dài. Các DNVVN phải liên tục đánh giá mức độ phát triển và ưu tiên các sáng kiến chủ chốt để thu hẹp khoảng cách. Các DNVVN cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số rõ ràng. DN cần sử dụng chúng như một “kim chỉ nam” để đưa ra các quyết định đầu tư công nghệ chiến lược, những khoản đầu tư giúp họ giải quyết các thách thức chính và tận dụng các cơ hội tăng trưởng. Đặc biệt, việc thay đổi có thể gặp nhiều khó khăn nên các DNVVN cần đảm bảo sự đồng thuận từ các nhân viên và quản lý cấp cao. DN cần xác định các nhân tố kỹ thuật số hàng đầu trong DN và sớm đưa họ vào quy trình chuyển đổi. Họ nên tận dụng những nhân tố này làm chất xúc tác cho văn hóa thay đổi bằng cách khuyến khích hợp tác, chia sẻ các câu chuyện thành công và chấp nhận những rủi ro được tính toán trước.

Trước đòi hỏi cấp thiết của xu thế chuyển đổi số, nhiều nước đã tích cực nắm bắt làn sóng chuyển đổi sang kỹ thuật số, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều quốc gia ban bố kế hoạch chuyển đổi sang kinh tế số. Dưới các tên gọi khác nhau như Campuchia Masterplan 2020, Thái Lan 4.0, Singapore Smart Nation hay Smart Digital Malaysia…, các chiến lược này đều có chung tầm nhìn trong việc chuyển đổi các nền kinh tế thành nền kinh tế kỹ thuật số, kết nối các DNNVV và cá nhân, phát huy tiềm năng đổi mới sáng tạo. Huawei dự báo, nền kinh tế số (digital economy) ở Đông Nam Á sẽ đạt bước ngoặt vào năm 2025 và quy mô của nền kinh tế số sẽ tăng gấp ba trong 7 năm tới.

Ở Việt Nam, dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, người dân và DN. Dự thảo nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số; trong đó tận dụng sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội đất nước ổn định, thịnh vượng và bền vững.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Digital Novaon “Bài toán chuyển đổi số của các DN Việt Nam khá tương đồng với các DN ở các nước đang phát triển. Các DN ở các nước đang phát triển có những điểm khác so với các DN ở Mỹ, châu Âu. Các DN chúng ta nhỏ hơn, trình độ quản trị yếu hơn và mức độ đầu tư cũng thấp hơn. Những đặc điểm này khiến cho cách chuyển đổi số của các DN các nước đang phát triển khác hoàn toàn so với DN các nước phát triển.”

Trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các DN trên toàn thế giới bắt buộc phải chuyển đổi số nhưng cách chuyển đổi của các nhóm quốc gia này hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, các DN Việt Nam sẽ không dùng được quá nhiều các công cụ, kinh nghiệm từ các DN những nước đã phát triển.

Từ thực tế triển khai cho các DN, chúng tôi nhận thấy, muốn làm chuyển đổi số cho các DN Việt Nam, đầu tiên cần chọn các phòng nào sẵn sàng trước, điểm nào cần chuyển đổi trước. Với tỷ lệ hơn 95% DN Việt Nam là DNNVV, chúng ta không nên quá tham vọng áp dụng cả một hệ thống quản trị, ERP, chuyển đổi số toàn bộ DN sẽ rất dễ thất bại. Với điều kiện tài chính của DN nhỏ không thể đầu tư cả một hệ thống lớn mà phải đầu tư từng bước một. Hãy chọn 1 đến 2 và tối đa là 3 phòng ban áp dụng chuyển đổi trước để không bị thất bại. Bên cạnh đó, hãy bắt đầu triển khai trước ở những phòng ban sẵn sàng cao và có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, khách hàng của DN. Điển hình như các phòng ban liên quan đến tài chính, marketing, quảng cáo, kinh doanh… mang lại nguồn thu và khách hàng cho DN. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bắt đầu triển khai từ các bộ phận này thì các DN sẽ rất dễ chấp nhận. Những bộ phận nào mang tính vĩ mô, chưa ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu ngay thì nên từ từ đầu tư.

Một yếu tố quan trọng trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho DN là giá phải hợp lý. Các DNNVV Việt Nam không sẵn sàng để chọn các giải pháp triệu USD. Số lượng DN sẵn sàng đầu tư triệu USD, vài trăm nghìn USD hay vài tỷ đồng cho một giải pháp chuyển đổi số là rất ít, chỉ chiếm khoảng từ 1-3%. Nếu muốn phần lớn các DNNVV Việt Nam, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể ứng dụng triển khai chuyển đổi số thì giá phải rất rẻ. Nếu nhà cung cấp có giải pháp hay với chi phí 100-300.0000 đồng mỗi tháng, các DNNVV Việt Nam sẵn sàng đầu tư chi trả. Còn nếu phải trả hàng nghìn USD mỗi tháng, các DN sẽ không sẵn sàng.

Đây là những bí kíp được áp dụng khi triển khai các nền tảng giải pháp công nghệ của Novaon, góp phần giúp chuyển đổi số cho khoảng hơn 50.000 DN của Việt Nam và khu vực.

Qua quá trình tiếp cận các DN trong nước cũng như khu vực, tôi nhận thấy một ưu điểm rõ nét là các DN Việt Nam rất nhanh nhạy, dễ tiếp cận với cái mới, khả năng học hỏi các vấn đề mới rất tốt…Tuy nhiên, nhược điểm lại không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở năng lực quản trị của DN chúng ta yếu hơn, quy mô bé hơn, hiệu suất DN thấp hơn. Đây chính là những rào cản cốt lõi khiến các DN Việt thua so với DN ở các nước xung quanh.

Tôi nhìn nhận chuyển đổi số sẽ là cơ hội để DN thay đổi, bứt phá. Các DN không có bề dày, không có nhiều kinh nghiệm, không có nhiều năng lực quản trị, tài chính nhưng nếu ứng dụng chuyển đổi số thành công thì có thể bứt phá và đuổi kịp các DN khác trong khu vực. Các DN với quy mô bé hơn thì tính chất mạo hiểm cao hơn, dấn thân hơn, không ngại thay đổi. Những điểm yếu của DN có thể biến thành điểm mạnh trong các cuộc cách mạng như hiện nay.

Tôi khẳng định, “nếu không chuyển đổi số ngay bây giờ thì chắc chắn DN của bạn sẽ phá sản trong thời gian rất ngắn”. Các DN chỉ có lựa chọn là triển khai làm ngay và làm như thế nào chứ không phải là việc có nên làm hay không. Bởi nếu không làm cũng có nghĩa là sẽ chết.

Nhu cầu chuyển đổi số trong các DN là tất yếu

Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty NTS Security: “Nhu cầu chuyển đổi số trong các DN hiện nay là tất yếu, nâng cao khả năng cạnh tranh, phục vụ chăm sóc khách hàng, cá nhân hóa phục vụ riêng… Một ví dụ thành công điển hình là ứng dụng vận chuyển hành khách Grab, GoViet,… Hệ thống chăm sóc khách hàng và phục vụ đặt xe hoàn toàn tự động đã mang nhiều lợi ích cho người dùng với số lượng nhân viên vận hành rất tối ưu. Việc ứng dụng chuyển đổi số là tất yếu trong các doanh nghiệp để cắt giảm chi phí tối thiểu và làm tăng sự hài lòng cho khách hàng. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ngân hàng, viễn thông còn xảy ra khá chậm. Có thể là do mô hình nhân sự và bộ máy còn cồng kềnh trước đây nên khó ứng dụng chuyển đổi số, lãnh đạo chưa nắm hết và phòng ngừa rủi ro khi thay đổi mô hình kinh doanh, chi phí đầu tư lớn vào CNTT”.

Đầu tư bảo mật là khoản đầu tư quan trọng trong CNTT và chuyển đổi số. Hệ thống CNTT cần phải đảm bảo an toàn khi kết nối để khách hàng an tâm. Để ứng dụng thành công bảo mật cho các hệ thống lớn cần những chuyên gia tư vấn bảo mật tham gia quá trình thiết kế, ứng dụng, vận hành, chuyển giao để quy trình bảo mật được an toàn. Chuyển đổi số mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể gây ra tổn thất rất nhanh nếu hệ thống này bị tấn công hoặc bị mất kiểm soát hoặc bị kiểm soát bởi hacker.

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), và đi động (mobile) đã trở nên phổ biến. Trí tuệ nhận tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) hay blockchain sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong thời gian tới. Xu hướng ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian tới vẫn còn nhiều “thận trọng” từ các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo tôi, việc nâng cấp, ứng dụng từng phần trong danh mục kinh doanh bằng chuyển đổi số sẽ giải quyết phần nào nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro của việc ứng dụng chậm hoặc ứng dụng từng phần chuyển đổi số có thể tạo ra rủi ro bảo mật cho doanh nghiệp và nhanh chóng lạc hậu của công nghệ.

Thay đổi để theo kịp xu thế công nghệ 

Ông Hồ Vi Đại Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tin học Viễn thông Nhất Tiến Chung: “Chuyển đổi số là nhu cầu gần như tất yếu đối với các doanh nghiệp muốn trụ vững trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay. Từ việc tiếp cận các giải pháp tiếp thị số, đến vấn đề sức mạnh nội tại của công ty như khai thác các hệ thống ERP, CRM. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp  chuyển hạ tầng CNTT lên các nền tảng điện toán đám mây (cloud) để đơn giản hóa quá trình triển khai, khai thác các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong dữ liệu, xây dựng chatbot thông minh để cung cấp dịch vụ khách hàng 24/7,…”

Nói một cách khác, chuyển đổi số như áp lực, thôi thúc các DN phải thực hiện thay đổi để theo kịp xu thế công nghệ. Để thực hiện việc chuyển đổi số một cách dễ dàng và thuận lợi, doanh nghiệp cần xác định cụ thể hiện trạng của mình đang ở đâu? Đang gặp vấn đề gì? Đồng thời, cũng cần cập nhật công nghệ phù hợp với nhu cầu. Từ đó, DN mới xác định được những gì cần phải thay đổi, đầu tư nên tập trung vào đâu, và theo cách thức như thế nào, để không bị tụt lại phía sau so với đối thủ.

Rủi ro có thể xảy ra khi DN xác định sai trọng tâm, hoặc không đúng lộ trình đầu tư. Lấy ví dụ, DN tập trung vào các chương trình tiếp thị số quá nhiều, trong khi hệ thống kinh doanh chưa sẵn sàng. Khách tìm đến nhưng quy trình xử lý đơn hàng phức tạp gây lúng túng. Hoặc thậm chí là máy chủ không đủ đáp ứng khi có lượng truy cập lớn bất thường…

Hiện nay, xu hướng chuyển dịch lên đám mây đã và vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, và theo nhiều cách tiếp cận mới mà thậm chí những người làm IT truyền thống chưa từng nghĩ tới. Software-as-a-Service, Infrastructure-as-a-Service, AI-as-a-Service,… và thậm chí là Function-as-a-Service, là những từ khóa mà những ai quan tâm đến chuyển đổi số phải để mắt đến trong thời gian tới. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng điện toán biên (edge computing), Internet of Things (IoT),… là những nhân tố mới cho việc cải thiện năng suất lao động, nâng cao khả năng thấu hiểu khách hàng và tạo ra giá trị mới cho cả nền kinh tế trong tương lai gần.

Previous articleShinhan bank triển khai dịch vụ vay tiêu dùng trên Zalo
Next articleAMD tung khuyến mãi hot sinh nhật 50 năm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here