Nền kinh tế số Việt Nam được dự báo có giá trị 9 tỉ USD trong năm 2019 và dự kiến đạt con số kỷ lục 30 tỉ USD vào năm 2025.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 đạt khoảng 102 triệu đồng/lao động (tăng 5,93% so với năm 2017). Tính chung giai đoạn 10 năm (từ năm 2007-2016), Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (tăng bình quân hơn 4%/năm). Tuy nhiên, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình chuyển đổi số, Việt Nam đang có cơ hội để vươn lên và nâng cao hơn nữa năng suất lao động.
Ngày 21/11, VMware, hãng chuyên về các giải pháp phần mềm doanh nghiệp, đã công bố Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phát (Tpcoms) là đối tác triển khai dịch vụ đám mây được VMware chứng nhận (cloud verified partner) thuộc Chương trình Nhà cung cấp Dịch vụ Đám mây của VMware (VCPP) tại Việt Nam và ra mắt dịch vụ hạ tầng đám mây TPCloud. Sự hợp tác giữa Tpcoms và VMware sẽ giúp mở rộng việc ứng dụng các hạ tầng đám mây TPCloud, mang tới cho các doanh nghiệp toàn Việt Nam tốc độ triển khai nhanh chóng, dễ dàng mở rộng và độ linh hoạt cao, đáp ứng mọi nhu cầu năng động của nền kinh tế số đang ngày càng tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Santoso Suwignyo, Giám đốc cấp cao, VMware Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết: Việc Tpcoms tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của Việt Nam với TPCloud, cùng với năng lực đã được kiểm chứng hơn 3 năm qua trong việc triển khai hạ tầng công nghệ quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, trở thành đối tác tin cậy đưa các công nghệ đám mây của VMware đến các doanh nghiệp trong nước. “Với các tính năng của trung tâm dữ liệu được định nghĩa bằng phần mềm (SDDC) của VMware, cùng danh mục các giải pháp đám mây công cộng phong phú, sâu rộng và dễ dàng mở rộng của chúng tôi, TPCloud sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế số của Việt Nam và trở thành một nền tảng chính cho các doanh nghiệp tăng trưởng.”
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), 3 lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất tại Việt Nam gồm: Công nghệ thông tin với mức độ sẵn sàng lên đến 77,3%; Lĩnh vực tài chính, ngân hàng (69,3%) và thương mại điện tử (65,5%). Để phát triển kinh tế số, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển Fintech. Từ năm 2008 đến nay, Fintech phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức, mô hình kinh doanh, cũng như tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia thị trường (khách hàng, các nhà cung ứng dịch vụ khách hàng, các công ty cung cấp các dịch vụ bổ trợ, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan).
Đánh giá về tiềm năng của việc chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Huỳnh Việt, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tpcoms, nhận định: “Nền kinh tế số Việt Nam đang trên quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, rất nhiều tiềm năng. Việc triển khai điện toán đám mây thông qua TPCloud sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng này mạnh mẽ hơn. Là đối tác đám mây VCPP được chứng nhận duy nhất tại Việt Nam, TPCloud của Tpcoms sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước một hạ tầng đám mây vận hành bởi giải pháp của VMware toàn diện, mang tới độ linh hoạt, khả năng kiểm soát và nhiều lựa chọn cho họ để triển khai dịch vụ đám mây phù hợp nhất theo nhu cầu kinh doanh của họ.”
Thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số là một trong những trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng. Việt Nam cần tận dụng tốt nhất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển bứt phá, xây dựng xã hội số, phát triển mạnh kinh tế số, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa bởi chuyển đổi số chính là chìa khóa để xây dựng kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số là sự chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất số với sự ứng dụng công nghệ số, mối quan hệ số… để tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn cho sản xuất. Nhờ chuyển đổi số, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng lên 8 – 10% (vượt qua mức 5 – 6%). Ngoài ra, đến năm 2030, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đóng góp 62,1 tỷ USD vào GDP Việt Nam, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước đạt 16%. Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2017 cho biết, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam vào khoảng 15%, đến năm 2020 con số này dự kiến là 21%.