Apple vừa được cấp một bằng sáng chế mua lại từ công ty LuxVue liên quan đến việc tích hợp cảm biến vân tay vào bên dưới màn hình. Công nghệ này sử dụng bóng đèn siêu nhỏ micro LED để thay thế cho các cảm biến điện dung đang được sử dụng phổ biến.
Những bóng LED sẽ dùng ánh sáng hồng ngoại (IR) để nói cho máy biết khi nào thì bạn đang chạm vào màn hình, vị trí chạm của bạn ở đâu. Và cũng nhờ khả năng phát xạ hồng ngoại rồi ghi nhận ánh sáng phản xạ nên màn hình có đọc được các đường rãnh lồi lõm trên ngón tay của bạn để tạo ra hình ảnh vân tay đầy đủ. Khi ấy chỉ cần một khu vực có microLED được kích hoạt là đủ, những vùng khác vẫn hoạt động như bình thường. Nhà sản xuất cũng có thể trải microLED ra khắp panel để biến toàn bộ màn hình thành cảm biến vân tay cũng được.
microLED (µLED) là một công nghệ kết hợp lợi ích của cả laser bán dẫn và đèn LED. Tương tự như laser, microLED có khả năng tạo ra chùm sáng cường độ cao và phát xạ song song trực tiếp từ một con chip. Ngoài ra nó còn hỗ trợ nhiều bước sóng khác nhau và không bắt buộc phải sử dụng biện pháp kiểm soát nhiệt độ, tương tự đèn LED thông thường. Điểm mấu chốt trong một bóng microLED đó là một bộ phận phản chiếu hình parabol được khắc vào vật liệu ngay tại điểm tạo ra ánh sáng. Bộ phận này có nhiệm vụ chuẩn trực ánh sáng (tạo ra chùm sáng song song và mảnh) và định hướng chúng xuyên qua một bề mặt nào đó.
microLED nổi bật hơn so với đèn LED ở hầu hết mọi tham số, chẳng hạn như độ sáng/công suất tiêu thụ (lumen/watt), chi phí trên độ sáng (cost/lumen) cũng như diện tích đế bóng đèn. Điều này có nghĩa là các sản phẩm dùng microLED sẽ tiết kiệm điện hơn, có độ sáng mạnh hơn (ở cùng kích thước bóng), nhỏ gọn hơn và chi phí cũng được cắt giảm. Bề mặt của microLED là một bề mặt phẳng nên nó cũng có thể được tận dụng để làm nhiều thứ khác, ví dụ như filter hay gương lưỡng sắc. Trong trường hợp của LuxVue, những màn hình được thắp sáng bằng microLED có thể mỏng hơn, tiêu thụ điện ít hơn và sáng hơn.
Vì kích thước rất nhỏ nên các linh kiện nói trên có thể được nhúng vào bên trong chất nền, còn không thì tích hợp trong một con chip riêng nằm trên chất nền cũng được. Khi đó mỗi pixel sẽ bao gồm subpixel R, G, B, IR phát và IR nhận (RGBIRSIR, như hình trên). Độ phân giải của loại màn hình này có thể tăng lên cao mà không gặp vấn đề gì. Nếu cần, một khu vực nhất định trên màn hình có thể có nhiều bóng microLED hơn để đọc vân tay chính xác hơn.
Ngoài việc phát hiện cảm ứng và đọc vân tay, công nghệ microLED trong màn hình còn có thể dùng để nhận biết ánh sáng môi trường xung quanh ra sao (thay thế cho cảm biến ánh sáng đang nằm riêng), nhận biết khi nào bạn đưa điện thoại áp lên tai (thay thế cho cảm biến tiệm cận). Tất cả đều nhờ vào khả năng phân biệt giữa các mức độ sáng tối và đoạn đường mà tia sáng hồng ngoại ghi nhận được.
Bằng sáng chế cũng nói thêm rằng các vùng có microLED vẫn có thể hoạt động tiếp tục ngay cả khi màn hình đã tắt. Nó sẽ giúp cho những thứ như unlock 1 chạm bằng vân tay trong khi vẫn tiết kiệm điện.
iPhone 8 được cho là sẽ dùng cảm biến vân tay tích hợp trong màn hình, và bản quyền mà chúng ta thấy trong topic này hoàn toàn có thể đáp ứng được điều đó. Nhưng việc triển khai nó vào thực tế lại là một chuyện rất khác vì còn những vấn đề chi phí, khả năng, năng suất sản xuất và khả năng bảo trì về say nữa. Hãy chờ xem sao.