Home Di Động Laptop - PC PowerColor Radeon Red Devil RX 590 – Lý tưởng cho game Full...

PowerColor Radeon Red Devil RX 590 – Lý tưởng cho game Full HD và VR

0

Nhân sự kiện AMD vừa ra mắt dòng card đồ họa mới AMD Radeon RX 590 thì mình cũng có dịp trải nghiệm nhanh một phiên bản thương mại của thế hệ GPU này là PowerColor Radeon Red Devil RX 590.

Vỏ ngoài của sản phẩm khá giống phiên bản PowerColor Radeon Red Devil RX 580 8GB Golden Sample mà mình từng thử nghiệm trước đây, chỉ khác logo RED DEVIL màu đỏ thay vì màu vàng.

Tương tự mặt sau vỏ hộp với những thông tin về thiết kế, công nghệ làm lên bo mạch gần như tương đồng, chỉ khác màu sắc logo.

Thiết kế

Và đến phần sản phẩm card bên trong thì có nói là giống đến 99,99%, chắc điểm khác nhau chỉ là PowerColor Radeon Red Devil RX 590 sử dụng nhân đồ họa Radeon RX 590 mới có xung nhịp lên đến 1576 MHz thay vì 1425 MHz như tiền bối PowerColor Red Devil RX 580 8GB Golden Sample.

Mặt trước vẫn là “năng lượng Gió xoáy” – với cánh quạt công nghệ Double Blade III giúp giăng tăng luồng gió lên đến 20% trong khi hạn chế được bụi bám và độ bền quạt gấp đến 4 lần thông thường.

Thiết kế quạt đặc biệt kết hợp với hệ thống ống và các lá tản nhiệt lớn từng rất hiệu quả trên dòng card RX 580 đã một lần nữa giúp “Quỷ đỏ đời sau” là RX 590 tiếp tục được “sống” trong không khí mát mẻ. (Xem phần kết quả Nhiệt độ bên dưới)

Trên card cũng tích hợp một nút gạt để bạn có thể chuyển đổi dễ dàng giữa 2 chế độ hiệu năng cao nhất và hiệu năng cân bằng (quạt sẽ quay vòng quay thấp hơn, vận hành êm ái hơn). Tuy nhiên theo cảm nhận của cá nhân mình trong quá trình thử nghiệm, mình luôn để chế độ hiệu năng cao thì quạt cũng không có gì gọi là ồn.

Mặt sau card vẫn là các cổng quen thuộc như người anh RX 580 trước đây gồm 3 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI và 1 cổng DVI, card sẽ chiếm chỗ 2 khe cắm ở mặt sau thùng máy.

Để thử nghiệm hiệu năng, mình gắn card vào hệ thống gồm CPU AMD Ryzen 2600X, bo mạch chủ ASRock 470 Taichi Ultimate, cặp RAM 2x8GB G.Skill Sniper X 3400 MHz và SSD M.2 Samsung 860 EVO

Thử nghiệm hiệu năng 

Đầu tiên mình thử với công cụ đo khả năng chơi game quen thuộc là 3DMark

Phép thử Time Spy mặc định đo khả năng chơi game ở độ phân giải 2560×1440 (thường gọi là 2K), các kết quả đã cho thấy RX 590 vẫn chưa đủ sức chơi các game hạng nặng ở độ phân giải này. Tất nhiên là chỉ các tựa game AAA nặng ký, chứ riêng các game nhẹ nhàng như Liên Minh, Dota 2, … thì bạn hoàn toàn có thể thoải mái chiến luôn ở 4K max cấu hình.

Hạ thấp tiêu chuẩn hơn mình thử với phép thử Fire Strike, một phép thử dùng để do khả năng chơi game hạng nặng ở độ phân giải Full HD thì PowerColor Radeon Red Devil RX 590 đã dễ dàng chinh phục mốc điểm 13.995 điểm. Nhìn vào chi tiết kết quả Graphics score bạn sẽ dàng thấy các phép thử đều đạt trên 60 FPS, tốc độ lý tưởng để chơi game.

Thử với tựa game Final Fantasy XV mới ra mắt trong năm nay với đồ họa cực kỳ đẹp mắt, RX 590 đạt 7.160 điểm tại độ phân giải Full HD, tương ứng với mức cao trong thang điểm của game này, cho thấy khả năng xử lý khung hình mượt mà tại mọi cảnh trong game ở thiết lập này.

Nâng lên độ phân giải 2K, card chỉ cho mức khá cao, 4.784 điểm, đồng nghĩa với việc bạn vẫn có thể chơi nhưng có thể sẽ gặp nhiều cảnh khung hình bị tuột chứ không đảm bảo mượt mà trong mọi bối cảnh.

So sánh AMD RX 590 với AMD RX 580

Do chỉ mượn được card trong thời gian rất ngắn nên mình không có thời gian để test nhiều game. Tuy nhiên mình có so sánh hiệu năng của dòng card AMD RX 590 mới với đàn anh RX 580 trước đây qua nhiều công cụ đo hiệu năng thì độ cải thiện hiệu năng của RX 590 trung bình khoảng từ 10 đến 16% tùy phép thử.

Với các kết quả này thì bạn cũng có thể dễ dàng suy luận ra khả năng chơi game của RX 590 sẽ bằng RX 580 + thêm khoảng 15%, và chính hãng AMD cũng đã công bố mức chênh lệch này trong buổi ra mắt.

Khả năng VR

Ngoài các benchmark game, đồ họa thì mình cũng thử khả năng xử lý nội dung VR của card do đây cũng là một tính năng được khá nhiều game thủ quan tâm và VR cũng đang ngày càng thịnh hành.

Với công cụ test hiệu năng VR của Steam, hệ thống chạy RX 590 của mình thử nghiệm đạt gần đến ngưỡng cao nhất của phép thử.

Tương tự với công cụ thử VRMark của hãng Futuremark (cũng là hãng làm ra công cụ 3DMark), RX 590 dễ dàng đạt mức kết quả rất cao ở phép thử Orange Room, tương ứng với khả năng dễ dàng xử lý nội dung VR ở độ phân giải 2264×1348, tương thích tốt HTC Vive và Oculus Rift.

Nâng lên mức Cyan Room, hệ thống vẫn đáp ứng tối khi đạt đến 119,53FPS so với mức yêu cầu chỉ 88,90 FPS. Đây là phép thử xử lý VR DirectX 12.

Với phép thử Blue Room tương ứng với VR ở độ phân giải cực cao đến 5K 5120×2880 thì hệ thống chưa đạt.

Nhiệt độ

Một điểm mạnh khác của PowerColor Radeon Red Devil RX 590 là nhiệt độ hoạt động khá mát mẻ. Nếu chỉ chơi game thông thường hay sử dụng các tác vụ khác thì nhiệt độ GPU chỉ ở quanh mốc 60 trở xuống.

Ngay GPU khi chạy các benmark nặng về đồ họa như 3DMark và Unigine Supersition thì Radeon Red Devil RX 590 cũng không vượt qua mức 70 độ C.

Kết luận

Nhìn chung với mức hiệu năng cải thiện trung bình 15% so với RX 580, mức giá hãng đề xuất tại thị trường nước ngoài 279 USD, AMD Radeon RX 590 rất đáng để bạn lựa chọn trong phân khúc nằm giữa NVIDIA 1060 và 1070 để chơi mọi thể loại game tại độ phân giải Full HD cũng như trải nghiệm nội dung VR ở mức cao cấp.

Previous articleAMD ra mắt card đồ họa AMD Radeon™ RX 590 mới
Next articleChuyển mạng đến VinaPhone chỉ tốn 15.000 đồng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here