Trong bối cảnh card đồ họa bị giới đào coin gom sạch, vừa khan hàng lại vừa giá cao, AMD tung ra bộ đôi Ryzen 7 5700G và Ryzen 5 5600G để đáp ứng nhu cầu chơi game vừa phải của các game thủ đồng thời cũng là lựa chọn hợp lý cho các nhà sáng tạo nội dung trên youtube, các nhà thiết kế 2D, …
Thông số kỹ thuật
So với thế hệ 4000G series trước đây, các bộ vi xử lý dòng 5000G được nâng cấp công nghệ lõi lên Zen 3 mới nhất, điều này mang lại chỉ số hiệu suất IPC tăng thêm đến 19% khi cùng xung nhịp.
Kiểu thiết kế cụm 8 lõi của Zen 3 cũng tăng gấp đôi bộ nhớ đệm L3 và mỗi lõi trong số cụm 8 đều có thể tự do truy cập vào toàn bộ bộ nhớ đệm, giảm độ trễ xử lý đáng kể so với kiều 2 cụm lõi 4 của Zen 2.
Tuy nhiên dù cùng kiến trúc Zen 3 như các đàn anh cùng dòng 5000 ra mắt gần đây, nhưng các vi xử lý 5000G series có vài điểm khác biệt. Phiên bản 5000G bị rút gọn bớt một số tính năng như chỉ hỗ trợ PCIe 3.0 thay vì 4.0 và bộ nhớ đệm L3 cũng bị giảm một nữa còn 16MB thay vì 32MB (vẫn gấp đôi Ryzen 7 4700G với 8MB cache). Điều này có lẽ do phải dành không gian cho nhân đồ họa GPU cũng như cắt giảm bớt chi phí để dễ tiếp cận người dùng hơn.
Phiên bản mình được trên tay lần này là AMD Ryzen 7 5700G, có 8 lõi và 16 luồng, với xung nhịp cơ bản là 3,8 GHz, turbo tối đa 4,6 GHz. GPU tích hợp là Vega 8 có xung nhịp đến 2000 MHz. Bô xử lý cũng hỗ trợ 8 làn PCIe 3.0 cho khe cắm card đồ họa rời trong trường hợp người dùng muốn nâng cấp sức mạnh đồ họa về sau. TDP của chip ở mức 65 W, tuy nhiên khi bạn chạy hết công suất, hệ thống có thể đẩy chip lên 88W để tăng hiệu năng.
Hiệu năng qua các công cụ Benchmark
Phần hiệu năng mình đánh giá qua các công cụ quen thuộc thì AMD Ryzen 7 5700G đã thể hiện sức mạnh rất tốt, đủ sức đáp ứng nhiều loại công việc khác nhau chứ không chỉ là phục vụ nhu cầu cơ bản.
Với 2 công cụ chuyên dụng đo điểm phần hiệu năng CPU là Cinebench R23 và Geekbench 5, Ryzen 7 5700G đã cho thấy sức mạnh phần CPU khá khủng, điểm đa nhân vượt trội so với phiên bản Ryzen 5 5600X (không GPU – 11.358 điểm Cinebench). Với sức mạnh này thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm để kết hợp với một chiếc card đồ họa tầm trung mạnh mẽ về sau khi giá card đồ họa hạ nhiệt.
Về GPU tích hợp, khi thử sức với công cụ 3DMark quen thuộc, Ryzen 7 5700G đạt đến 18.806 điểm đồ họa. Phần kết quả chi tiết cũng cho thấy hệ thống chinh phục dễ dàng các bộ test khi đạt 78.34 FPS Graphics test 1 và 106.49 Graphics test 2. Kết quả này cho thấy Ryzen 7 5700G có thể chơi tốt các tựa game online phổ biến tại Việt Nam.
Trải nghiệm chơi game thực tế
Với các tựa game quá nhẹ nhàng kiểu FIFA hay Liên Minh Huyền Thoại thì chắc chắc máy chơi tốt nên mình không thử nghiệm mà chọn các game tương đối nặng ký hơn.
Trải nghiệm chơi thực tế với tựa game CSGO, game tự động đề xuất cấu hình High, tốc độ khung hình đạt được quanh mốc 78-80 FPS. Do game tự đề xuất mức High nên bạn hoàn toàn có thể tăng FPS theo sở thích bằng cách hạ bớt cấu hình.
Với tựa game nặng hơn là PUBG thì hệ thống chỉ có thể chơi tốt trên 60FPS ở mức thiết lập Full HD cấu hình thấp nhất.
Mình cũng trải nghiệm thử với tựa game online Naraka, cũng thể loại sinh tồn nhưng chém nhau thay vì bắn nhau, khá hot mới ra mắt gần đây, máy có thể chơi mượt ở mức thiết lập Full HD cấu hình thấp nhất. Dù tốc độ khung hình không cao nhưng trải nghiệm thực tế vẫn khá mượt, chơi tốt chứ không giật lắc khó chịu.
Phần nhiệt độ khi chơi game khá mát mẻ, chỉ quanh mốc 6x độ trở xuống.
Chỉnh sửa video
Ngoài chơi game, mình cũng thử sức hệ thống việc chỉnh sửa video 4K 60FPS MP4 bằng phần mềm Davinci Resolve. Với các tác vụ cơ bản như cắt ráp, thêm sub, … hệ thống chạy khá mượt. Mình không phải dân chuyên nên không xử lý các tác vụ chuyên sâu hơn. Tuy nhiên thì với đồ họa tích hợp thì chúng ta cũng không nên kỳ vọng nhiều.
Thời gian render video 4K 60FPS MP4 là 20 phút29 giây cho độ dài thực tế 11p36giây. Do tác vụ render vắt kiệt sức mạnh CPU nên nhiệt độ CPU lúc này lên đến 88-89 độ C, tuy nhiên xung nhịp vẫn ổn định chứ không bị tuột.
Nhìn chung Ryzen 7 5700G sẽ phù hợp với các bạn youtuber hay tiktoker làm clip ngắn đơn giản hoặc các bạn làm thiết kế 2D. Còn với dân làm phim hiệu ứng hình ảnh chuyên nghiệp thì sẽ cần một bộ máy cao cấp hơn.
Nhận xét chung
Với việc áp dụng kiến trúc lõi Zen 3 mới nhất, AMD Ryzen 7 5700G đã phát huy tốt hiệu suất so với thế hệ trước, tăng gần 25% hiệu năng so với đàn anh Ryzen 7 4700G trước đây. Và dù là APU nhưng phần hiệu năng CPU hoàn toàn có thể so kè với các CPU 8 nhân tầm trung của Intel, là cứu cánh khá hợp lý cho các game thủ và người dùng cần máy hiệu hiệu suất cao nhưng chưa thể đầu tư card đồ họa ở thời điểm tiền mã hóa leo thang như hiện tại.
Cấu hình thử nghiệm:
Main: ASUS ROG Strix B450i Gaming
RAM: Gskill Trident Z RGB 16GB x 2, bus 3600
SSD Kingston KC2500 NVMe – 500GB
Nguồn 150W 80 plus bronze