Home Công nghệ số Công nghệ Blockchain của Viettel áp dụng thành công vào sản phẩm...

Công nghệ Blockchain của Viettel áp dụng thành công vào sản phẩm y tế

0

Ứng dụng công nghệ Blockchain trong Tập đoàn Viettel với mục tiêu hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ sức khỏe của công dân trên toàn quốc.

Sau 3 tháng nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ lõi – Tổng công ty Giai pháp Doanh nghiệp Viettel ứng dụng thành công Blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Bước phát triển quan trọng khẳng định việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ 4.0 của Viettel, mang lại lợi ích cho xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm Viettel.

Trung tâm lựa chọn hồ sơ sức khỏe cá nhân để thử nghiệm vì đây là một bài toán mang ý nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, phạm vi và quy mô bài toán đủ lớn để các thành viên trong nhóm nghiên cứu kiểm chứng “độ trưởng thành” của công nghệ, đánh giá khả năng kiểm soát công nghệ đến mức nào. Đồng thời, qua thực tế, nhóm nghiên cứu sẽ phát hiện các vấn đề quan trọng, tìm ra được nhược điểm để hoàn thiện hơn công nghệ Blockchain của Viettel trong tương lai.

Blockchain giúp cho hoạt động tương tác, phối hợp giữa người bệnh, các cơ sở y tế, bệnh viện, cửa hàng thuốc và các Bộ ban ngành liên quan diễn ra nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, công nghệ này giúp gia tăng sự tin tưởng giữa các bên do loại bỏ được các yếu tố nghi ngờ lẫn nhau, không công bằng, thiếu minh bạch.

Phần mềm Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân của Viettel phát triển hiện đang lưu trữ cơ sở dữ liệu trên hệ thống cũ theo dạng quản trị tập trung. Tuy tiết kiệm tài nguyên lưu trữ nhưng nếu như bị tấn công và mất dữ liệu, hệ thống sẽ sụp đổ hoàn toàn, không thể khôi phục dữ liệu, dễ bị giả mạo. Bằng việc phát triển được Blockchain, Trung tâm Công nghệ lõi có thể chuyển cơ sở dữ liệu ấy vào Blockchain, giúp giải các vấn đề nêu trên. Hiện tại, Trung tâm đang gấp rút xây dựng, đóng gói công nghệ thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Blockchain là đầu vào và đảm bảo dữ liệu chính xác do được tất cả các bên tham gia vào mạng lưới đồng thuận. Nhờ Blockchain, Big Data (Phân tích dữ liệu lớn) mới có thể tiến hành phân tích, đánh giá dữ liệu chuẩn xác, đưa ra các kết quả, dự báo đúng. Sau khi đóng gói thành công sản phẩm Blockchain vào Quản lý Hồ sơ Sức khỏe Cá nhân, Trung tâm Công nghệ lõi sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này vào nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác của Viettel và tung ra thị trường như: Ngân hàng tài chính, Quản lý chuỗi cung ứng, Logistic, Xuất nhập khẩu, Truy suất nguồn gốc, Kinh doanh…

Ông Phạm Văn Tuân, Đại diện Trung tâm Công nghệ lõi Viettel khẳng định: Áp dụng Blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; giúp bệnh viện tối ưu khoảng 2.500 tỷ đồng/năm và phát triển ngành y học trên cả nước.

Hiện nay, y tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó, vấn đề chia sẻ thông tin bệnh nhân với các bệnh viện đang rất phức tạp và chưa hình thành. Ông Tuân lấy ví dụ: Cứ mỗi lần đến một cơ sở y tế, bệnh viện, người bệnh lại phải xếp hàng khai báo thông tin cá nhân từ đầu, thậm chí là làm lại những xét nghiệm căn bản mà ở các bệnh viện khác đã làm rồi. Thực tế những việc này khiến tiêu tốn mất 1-2 ngày. Điều này khiến người bệnh tốn thời gian và chi phí để lặp lại những hành động đã có. Ngoài ra, người Việt Nam không có thói quen dữ lại hồ sơ bệnh án sau mỗi lần điều trị, gây nên khó khăn cho các bác sĩ khi theo dõi bệnh tình.

Blockchain trong quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp lưu trữ lại toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh của người dân. Nhờ đó, những thông tin căn bản như thông tin cá nhân, nhóm máu, tiểu sử bệnh, những lần khám chữa bệnh… đều được lưu lại và tái sử dụng. Người Việt Nam còn có thể chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong suốt cuộc đời.

Hiện nay, các cơ sở y tế, bệnh viện vẫn lưu trữ hồ sơ bệnh án dưới dạng văn bản cứng. Điều này gây tiêu tốn khoảng 2.300 – 2.500 tỷ đồng/năm cho hoạt động in ấn, lưu trữ hồ sơ của tất cả cơ sở y tế, bệnh viện. Đây là một con số rất lớn mà những đơn vị khám chữa bệnh có thể dùng vào nhiều việc có ích hơn như nâng cấp máy móc hiện đại, cải tạo hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ…

Bên cạnh đó, các vấn đề đáng lo ngại như chỉnh sửa thông tin để thực hiện hành vi xấu cũng sẽ được giải quyết. Bởi vì dữ liệu hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân có rất nhiều bản giống nhau, mỗi bản chịu sự quản lý của các bên độc lập. Việc thay đổi thông tin, dữ liệu chỉ hợp lệ và thành công khi 100% các bên liên quan, bao gồm cả người dân đồng thuận. Blockchain giúp minh bạch hóa thông tin và tăng cường niềm tin của người dân vào ngành y tế Việt Nam.

Previous articleHuawei ra mắt Mate 20, Mate 20 Pro dùng chip Kirin 980
Next articleNokia X7 dùng chip Snapdragon 710, màn hình 6.18 inch, camera kép Zeiss

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here