Home Tin tức Chung tay ứng phó với cơn bão Kalmaegi

Chung tay ứng phó với cơn bão Kalmaegi

0
fiber cable VietNam HongKong

Hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG từ Việt Nam hướng đi Hồng Kông, Mỹ, đoạn S1I thuộc vùng biển gần Hồng Kông đêm ngày 15/9 đã bị đứt do ảnh hưởng bởi cơn bão Kalmaegi cùng với những diễn biến phức tạp trên biển. Sự cố này đã ảnh hưởng nặng đến việc truy cập internet bởi dung lượng internet bị mất 40%. 

fiber cable VietNam HongKong

Theo thông tin được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), một trong những nhà cung cấp dịch vụ internet sử dụng tuyến cáp quang biển, cho biết, vào 23 giờ 26 phút ngày 15-9, hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG từ Việt Nam đi quốc đã bị đứt. Vì vậy, truy cập internet vào các dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài của phần lớn các thuê bao internet tại Việt Nam bị chậm lại.

Tích cực khắc phục

Thông thường, thời gian nối cáp thường kéo dài cả tuần hoặc lâu hơn và phụ thuộc nhiều vào thời tiết trên biển. Hiện VNPT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong nước và quốc tế xử lý sự cố, tuy nhiên thời gian khôi phục của tuyến cáp này hiện chưa được ấn định. Công ty FPT cho biết đang gấp rút phối hợp với đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG tiến hành các thao tác để xác định nguyên nhân và xử lý sự cố. Tuy nhiên, khu vực Hồng Kông đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão Kalmaegi với những diễn biến phức tạp trên biển nên việc xử lý sự cố sẽ lâu hơn dự kiến.

Hiện ngoài VNPT còn có các nhà cung cấp dịch vụ internet khác tại Việt Nam sử dụng tuyến cáp này như: FPT, Viettel… Đây là tuyến cáp chiếm tới 70% băng thông kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế; do đó sự cố đứt cáp sẽ ảnh hưởng đến hầu hết người dùng internet tại Việt Nam. Đây là tuyến cáp biển thường xuyên xảy ra sự cố, mỗi năm vài lần, các nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đã quen với việc xử lý tình huống chuyển lưu lượng kết nối quốc tế mỗi khi sự cố xảy ra.

VNPT cho biết ngay khi tuyến cáp AAG bị đứt, tập đoàn này đã nhanh chóng bổ sung dung lượng đi quốc tế trên tuyến cáp biển SMW3 và cáp trên đất liền thay cho tuyến AAG để giảm thiểu độ chậm kết nối internet quốc tế cho khách hàng của nhà cung cấp này. Còn nguồn tin từ FPT và Viettel cũng cho biết, họ đã chuyển sang các hướng kết nối quốc tế dự phòng thông thường mỗi khi AAG gặp sự cố để đảm bảo phần nào tốc độ, chất lượng kết nối internet quốc tế cho khách hàng sử dụng dịch vụ của hai nhà cung cấp này.

Cam kết đảm bảo thông tin thông suốt

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão Kalmaegi mạnh cấp 12, dự kiến chiều tối ngày 16/9 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc Bộ, VinaPhone đã khẩn trương triển khai một loạt các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn thông tin liên lạc thông suốt cho các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bao này. Ngay khi có thông tin về cơn bão, VinaPhone đã huy động toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tại trung tâm khu vực miền Bắc và các tỉnh có bão chuẩn bị ứng trực 24/24. Rà soát, kiểm tra, tăng cường độ cao an toàn cho hơn 1.200 trạm phát sóng 2G và 3G tại 2 tỉnh tâm bão là Hải Phòng và Quảng Ninh tránh thiệt hại khi có sự cố. Bổ sung 02 xe phát sóng lưu động túc trực sẵn sàng ứng cứu thông tin. Mặt khác, VinaPhone cũng đã chuẩn bị vật tư dự phòng đảm bảo ứng cứu thay thế hoàn toàn cho 5 trạm phát sóng. 

DSC 1534

Bên cạnh đó, VinaPhone đã phối hợp với các Viễn thông địa phương kiểm tra tất cả các cơ sở nhà trạm, kho tàng, phòng làm việc thuộc quản lý của đơn vị có nguy cơ bị úng ngập, di chuyển hoặc có phương án hạn chế thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc. 

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật khu vực miền Bắc, chia sẻ: “Với tinh thần chủ động phòng chống, VinaPhone sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại do cơn bão Kalmaegi gây ra. Với những nỗ lực của mình, VinaPhone sẽ đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt qua đó hỗ trợ cho công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và phòng chống bão lũ tại các địa phương nơi cơn bão đi qua cũng như việc khắc phục hậu quả sau cơn bão”.

Về phía MobiFone và Viettel, các nhà mạng này cũng cho biết đang gấp rút triển khai các công tác phòng chống bão. Cụ thể, ngoài việc gửi thông báo đến các đối tác để có phương án đối phó đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng nhà trạm trong bão, MobiFone còn lên phương án điều động hơn 300 nhân sự trực bão lụt, thường xuyên cập nhật, theo dõi đường đi của bão và sẵn sàng ứng cứu thông tin, điều hành mạng lưới 24/24h. Không những thế, nhà mạng MobiFone còn tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời tất cả các trạm phát sóng tại khu vực Đông Bắc Bộ; Gia cố chắc chắn cho hơn 200 cột phát sóng ven biển tại 04 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và điều động 15 đội Ứng cứu thông tin, truyền dẫn viba, outdoor của các đối tác để sẵn sàng triển khai trong các trường hợp khẩn cấp…

Ngoài ra, để đề phòng mất điện trên diện rộng sau cơn bão, các nhà mạng cũng chuẩn bị điều động các máy phát điện, xăng dầu để hạn chế tối đa mất liên lạc do mất điện lưới… VinaPhone tăng cường thêm 20 máy nổ để ứng cứu cho Hải Phòng, Quảng Ninh và hơn 300 trạm phát sóng ở các vị trí quan trọng ưu tiên đảm bảo liên lạc trong bão được tiếp xăng, dầu dự phòng, gia cố cột trụ, phòng chống úng ngập. MobiFone cũng rà soát, kiểm tra cơ sở hạ tầng, độ cao các trạm của MobiFone và chuẩn bị hơn 3000 máy phát điện, xăng dầu để đối phó với việc mất liên lạc.

Đại diện FPT Telecom cũng cho biết đã có kế hoạch chủ động kiểm tra, rà soát các việc liên quan đến hạ tầng viễn thông và chuẩn bị kịch bản phòng chống bão tại các chi nhánh tỉnh có thể nằm trong khu vực bão bị ảnh hưởng. Với các tỉnh ven biển, vấn đề cần lưu ý đối phó chủ yếu là gió bão lớn, với các tỉnh miền núi là các vấn đề liên quan đến mưa lũ, ngập nước. Bên cạnh đó, hàng tuần, bộ phận kỹ thuật đều phải kiểm tra – bảo trì – bảo dưỡng tất cả các nhà trạm, thường xuyên tuần tra các tuyến đường trục, mạng lưới ngoại vi để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây gián đoạn dịch vụ để khắc phục ngay.

Previous articleMắt Bão ra mắt công ty dịch vụ thuê ngoài
Next articleSony kỷ niệm 20 năm tại Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here