Home Tin tức AI, AR, thiết bị giám sát, 5G dẫn đầu xu hướng công...

AI, AR, thiết bị giám sát, 5G dẫn đầu xu hướng công nghệ thay đổi thế giới năm 2020

0

Trí tuệ nhân tạo hay AI thực ra không phải công nghệ “mới”. Ngay từ đầu thập kỷ, Apple đã giới thiệu Siri, trợ lý ảo trên iPhone 4S vào năm 2011.

Tuy nhiên trong suốt 10 năm qua, trí tuệ nhân tạo ngày càng mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi hơn trong các sản phẩm tiêu dùng.

Sau Siri, những trợ lý ảo Google Assistant hay Amazon Alexa cũng dần quen thuộc trên smartphone. Từ mức độ chỉ để giải trí, những trợ lý ảo ngày càng hữu dụng, hoạt động trên nhiều thứ tiếng. Ngoài smartphone, làn sóng loa thông minh diễn ra ở nửa cuối thập niên cũng là cách mà những nhà sản xuất mang trợ lý ảo, sản phẩm trí tuệ nhân tạo của mình tới với nhiều người dùng hơn. Kể cả những chiếc TV hay tủ lạnh ngày nay cũng được tích hợp trợ lý ảo.

Không chỉ trợ lý ảo, AI còn được tích hợp vào smartphone ở tính năng chụp ảnh. Nhiếp ảnh điện toán chính là “bí mật” phía sau các công nghệ chụp đêm, HDR thông minh mà Google hay Apple giới thiệu trên những smartphone mới nhất. Sau Apple, Google, Samsung và Qualcomm đều đã trang bị những con chip riêng chuyên xử lý học máy để tăng hiệu năng cho các tác vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đó chỉ là số ít tính năng được tối ưu, nâng tầm với trí tuệ nhân tạo mà người dùng dễ dàng nhận biết. Thực tế đây là một công cụ mạnh mẽ, có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực để tăng hiệu quả công việc, cuộc sống. Có thể là những tính năng dễ thấy như trợ lý ảo, cao cấp hơn như nhiếp ảnh điện toán, hoặc thậm chí không hề xuất hiện trước mắt người dùng như những giải pháp tối ưu sản phẩm, AI sẽ ngày càng thay đổi tích cực cuộc sống của con người trong thập niên tới.

“Những lập trình viên ngày càng dễ tiếp cận các công cụ trí tuệ nhân tạo. Kết quả là chúng ta sẽ thấy các công cụ ứng dụng AI ngày càng đa dạng. Trí tuệ nhân tạo về cơ bản sẽ trở thành một thành phần, dù rất nhỏ, của rất rất nhiều sản phẩm”, ông Max Lytvyn, đồng sáng lập ứng dụng Grammarly nhận xét.

Thập niên tới cũng là thập niên con người phải đối mặt và tìm cách khắc phục những hậu quả khi AI bị ứng dụng sai cách. Năm 2019, deepfake trở thành vấn nạn khi những trang web hoặc ứng dụng ghép mặt vào ảnh, video một cách chân thực được phổ biến. Trí tuệ nhân tạo dù sao cũng chỉ là một công cụ mạnh mẽ, do vậy sử dụng công cụ đúng hay sai cách sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người dùng.

Trong thập niên 2010, những mạng xã hội lớn đều tăng trưởng từ con số vài trăm triệu lên tới hàng tỷ người dùng. Là những nền tảng cho phép người dùng sử dụng “miễn phí”, Facebook hay YouTube thu hút lại doanh thu bằng cách quảng cáo, và họ không thể quảng cáo hiệu quả nếu không biết rõ khách hàng của mình.
Hàng trăm, hàng nghìn thông tin và hành động mà người dùng để lại mỗi ngày chính là những dữ liệu giúp cho các mạng xã hội lập ra được “hồ sơ” chuẩn xác nhất của người dùng. Kết hợp với những thuật toán sử dụng trí tuệ nhân tạo, tập hồ sơ ảo này có thể tiết lộ thông tin về một người mà người đó chưa chắc đã nhận ra.

Số lượng khổng lồ, lại là nguồn cung cấp thông tin quý giá khiến cho dữ liệu trở thành “nhiên liệu” giá rẻ để các mạng xã hội phát triển thần tốc. Tuy nhiên, đi kèm với khai thác thì bảo vệ dữ liệu cũng là một trong những thách thức lớn nhất của giới công nghệ trong thập niên 2010.

Trong số những bê bối về dữ liệu người dùng, vụ Facebook làm lộ dữ liệu của 87 triệu người dùng với công ty phân tích Cambridge Analytica đứng đầu về quy mô. Sau khi bị lộ, dữ liệu của người dùng đã bị công ty này khai thác để đưa ra những cảnh báo tốt nhất trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Việc Facebook làm lộ số dữ liệu này khiến cho Mark Zuckerberg và cả nước Mỹ bước vào cuộc tranh luận dài.

Trong khi Mỹ vẫn còn đang tranh luận, châu Âu đã đi trước một bước với luật bảo vệ dữ liệu nói chung (GDPR). Những công ty khai thác dữ liệu phải minh bạch với người dùng các dữ liệu họ khai thác và cho người dùng lựa chọn. Đây là nỗ lực mới nhất của châu Âu để bảo vệ dữ liệu của người dùng.

“Tôi cảm thấy như mọi người tham gia vào một quả cầu công nghệ, nhưng họ lại không mang theo những quyền cơ bản của mình”, bà Vera Jourova, ủy viên công lý, người tiêu dùng và cân bằng giới của Liên minh châu Âu giải thích.

Theo bà Jourova, tiêu chuẩn GDPR có thể được “xuất khẩu”. Nhật, Hàn Quốc, Argentina hay Chile có thể là những quốc gia đầu tiên ngoài châu Âu áp dụng tiêu chuẩn. Mỹ cũng có thể sớm học tập tiêu chuẩn này. Dữ liệu người dùng được tôn trọng có thể sẽ là bước đi đầu tiên để các công ty công nghệ khổng lồ tỉnh táo và sử dụng hợp lý hơn dữ liệu.

Trung Quốc có thể đang là quốc gia đi đầu về ứng dụng nhận khuôn mặt. Camera được trang bị ở bất kỳ góc phố nào, trong từng cửa tiệm, trước máy bán hàng tự động. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được ứng dụng để tìm ra người vi phạm pháp luật, mua hàng, thanh toán tiền, và thậm chí là cả lấy giấy ở nhà vệ sinh công cộng.

Theo SCMP, người Trung Quốc vốn chấp nhận rộng rãi công nghệ này và ít quan tâm đến quyền riêng tư. Đó là một trong những lý do công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể phát triển nhanh và với quy mô lớn đến vậy ở Trung Quốc.

Thị trường thiết bị giám sát video tại Trung Quốc có quy mô 10,6 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IDC vào tháng 8. Con số này chưa kể đến phân khúc camera giám sát tại nhà do người dân tự lắp đặt.

Tuy nhiên, người dân Trung Quốc giờ đây cũng dần nhận biết được những nguy cơ khi dữ liệu khuôn mặt không được quản lý chặt chẽ. Đầu tháng 11, một giáo sư luật kiện Công viên Safari Hàng Châu vì vi phạm thỏa thuận sử dụng sau khi họ thay thế hệ thống kiểm soát vào cổng dựa trên dấu vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt.

Ông Guo Bing, người đưa đơn kiện chia sẻ ông tin rằng sự thay đổi của công viên đã vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Mục đích của vụ kiện không phải để được bồi thường mà là chống lại việc lạm dụng nhận dạng khuôn mặt.

“Khi chúng ta ở trên đường, khuôn mặt chúng ta bị kiểm tra hàng trăm lần mỗi ngày từ mọi góc độ. Nhưng không ai nói với bạn rằng dữ liệu đã được thu thập”, Giáo sư Lao Dongyan của Đại học Thanh Hoa giải thích sự khác biệt lớn nhất của nhận dạng khuôn mặt và các hình thức xác minh danh tính bằng sinh trắc học khác: mọi người có thể không hề biết mình đang bị nhận diện.

Một trong những mục đích của nhận dạng khuôn mặt tại Trung Quốc là phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của người dân, qua đó khuyến khích họ không vi phạm. Kết hợp cùng hệ thống “điểm tín dụng xã hội” gây tranh cãi không kém, hai khái niệm này mang lại rất nhiều dấu hỏi về quyền riêng tư, chưa nói tới những nguy cơ khi quản lý dữ liệu kém.

Tuy nhiên Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất sử dụng nhận dạng khuôn mặt cho mục tiêu an ninh. Anh, Australia và nhiều quốc gia phương Tây cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về khuôn mặt hay trao quyền cho cảnh sát sử dụng những dữ liệu này. Dù chưa thể biết được những công nghệ nhận diện sẽ phát triển như thế nào trong 10 năm tới, đây sẽ là công nghệ ảnh hưởng sâu rộng và gây tranh cãi nhất trong thập niên tiếp theo.
Ngoài camera giám sát, một loại thiết bị khác cũng sẽ ngập tràn trong thập niên tiếp theo: thiết bị tương thích với 5G. Thế hệ mạng thứ 5 được phát triển từ đầu thập niên, và đã bắt đầu được khai thác thương mại cuối thập niên 2010.

Giống như những thế hệ trước, 5G mang tới sự cải tiến vượt trội về tốc độ kết nối mạng. Về mặt lý thuyết, tốc độ tối đa của mạng 5G sẽ gấp 100 lần 4G. Trong thử nghiệm thực tế của các nhà mạng, tốc độ 5G nhanh hơn khoảng 20 lần so với 4G.

Tuy nhiên, tốc độ không phải thứ quan trọng nhất của mạng 5G. Độ trễ và băng thông của mạng 5G cũng tốt hơn rất nhiều. Với độ trễ thấp, các thiết bị sẽ mất ít thời gian để nhận và phản hồi tín hiệu của nhau. Băng thông lớn hơn giúp nhiều thiết bị kết nối cùng lúc với nhau hơn.

Với các thiết bị di động, rõ ràng 5G sẽ đem lại một sự thay đổi về thói quen sử dụng, giống như cách mà 3G giúp người dùng tiếp cận với các dịch vụ mạng, hay 4G tạo ra cơ hội cho mọi dịch vụ stream.

Mức tăng quá lớn cả về tốc độ và độ trễ sẽ mở ra khả năng kết nối dễ dàng, nhanh và rộng hơn hẳn cho hàng tỷ thiết bị trong tương lai. Những thiết bị này, nhờ 5G sẽ xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ kinh doanh, giao thông đến y tế hay giáo dục. Các chuyên gia cũng cho rằng đây là cơ hội lớn, đồng thời cũng yêu cầu sự thích ứng nhanh chóng.

Việc kết hợp những hình ảnh trên màn hình với chuyển động ngoài đời đã được biết đến từ máy chơi game Nintendo Wii, sau đó được biết đến trên chiếc kính mang màu sắc tương lai Google Glass. Tuy nhiên, thực tế ảo tăng cường chỉ thực sự trở thành cơn sốt với trò chơi Pokemon Go phát hành năm 2016.

Hình ảnh hàng trăm người giơ chiếc điện thoại lên trước mặt, đến những địa điểm thực tế để “bắt” Pokemon có lẽ là bằng chứng cho sự hứa hẹn của công nghệ thực tế ảo. Trong thập kỷ vừa qua, nhiều ông lớn công nghệ đã tham gia lĩnh vực này. Sau Glass, Google còn nhiều dự án VR, AR khác. Facebook sở hữu công ty Oculus chuyên thiết kế các loại đầu VR, còn Apple được cho là cũng đang phát triển một chiếc kính AR.

Những lãnh đạo của Apple kỳ vọng thiết bị này có thể sẽ đem lại thành công như những gì iPhone đã làm được trong khoảng 10 năm. Năm 2017, trong một bài phỏng vấn CEO Tim Cook chia sẻ thực tế ảo là “ý tưởng lớn không kém smartphone”.

“Smartphone dành cho mọi người, chúng ta không bao giờ nghĩ iPhone là sản phẩm dành riêng cho đối tượng nào. Tôi nghĩ AR cũng vậy, có tiềm năng lớn”, CEO Apple cho biết.

Tuy nhiên, tiềm năng của công nghệ thực tế ảo đã không được hiện thực hóa trong thập niên vừa qua. Ngoại trừ những hình thức giải trí, thực tế ảo chưa được áp dụng nhiều vào các ngành kinh doanh, thị trường hứa hẹn hơn rất nhiều.

Previous articleP30 Pro giảm 5 triệu đồng, dẫn đầu loạt smartphone giảm giá trong tháng 1
Next articleFord Everest cho những buổi cắm trại trọn vẹn hơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here